Phẩm Sagāthā trong Tương Ưng Bộ (Saṃyutta nikāya), có kệ ngôn;
“Sīle patiṭṭhāya naro sappañño …
“Người có trí trú giới.
Tu tập tâm và tuệ,
Nhiệt tâm và thận trọng.
Tỳ khưu ấy thoát triền”
Kệ ngôn trên, Đức Phật dạy: “Người (tái sinh) tam nhân, khi trí tuệ chín muồi, khéo an trú trong giới, nhiệt tâm tu tập thiền định và tuệ quán. Người ấy có thể tháo sạch mạng lưới ái dục chằng chịt”.
Tức là Đức Phật chỉ đề cập ba pháp tu: Giới, định và tuệ, một sự gợi ý về thực hành pháp bố thí không hề có.
Lại nữa, sách Thanh tịnh đạo (Visudhhimagga) trong phần luận giải kệ ngôn trên, không nói đến bố thí.
Vì Bát chánh đạo dẫn đến Níp-bàn bao gồm: Giới, định, tuệ, không nói đến bố thí, nên một số người hiểu lầm: “bố thí không được Đức Phật xem trọng yếu”, rằng “bố thí không dẫn đến chứng đắc Niết Bàn”, rằng “bố thí chỉ làm cho luân hồi càng dài hơn, vì vậy bố thí không đáng được tu tập”.
Cần hiểu biết đúng đối tượng được Đức Thế tôn thuyết giảng kệ ngôn trên như sau:
Đức Phật thuyết lên kệ ngôn này vì lợi ích của những người có khả năng chứng đạt đạo quả A-la-hán ngay trong kiếp hiện tại. Khi trở thành bậc A-la-hán thì sự chuẩn bị những gì tốt đẹp cho kiếp sau trở thành vô nghĩa, bố thí để có an lạc trong kiếp sau là điều không cần thiết cho vị thánh A-la-hán”.
Tức là: “Đối với người có khả năng chứng quả A-la-hán ngay trong kiếp hiện tại, thì giới – định – tuệ là cần thiết hơn bố thí, ba pháp này trực tiếp đoạn tận phiền não.
Như một thí sinh, khi đến giờ thi chỉ có việc “cố gắng làm bài”, không còn thời gian để ôn tập, cũng vậy với người tròn đủ phước Ba-la-mật chỉ cần nổ lực thực hành giới – định – tuệ, không cần phải thực hành thêm bố thí Ba-la-mật.
Và cũng nên lưu ý rằng: “Đức Phật không bao giờ nói: không nên thực hành pháp bố thí”.
Bố thí được đặt trên nền tảng đức tin (saddhā), khi đức tin phát triển sung mãn trở thành tín quyền (saddhindriya), tín lực (saddhā bala), dẫn đến chứng đắc Níp-bàn, còn giới trong kệ ngôn trên là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng của bát chánh đạo. Một người nương theo đức tin vẫn có thể chứng đạt Níp-bàn.
Trong Kinh Tăng chi có ghi nhận cuộc thảo luận của ba vị: Tôn giả Sāvatthi, Tôn giả Mahākoṭṭhita và Tôn giả Sāriputta bàn về ba bậc Dự lưu: Bậc Thân chứng (kāyasakkhī), bậc Kiến chí (diṭṭhippatta) và bậc Tín giải (sadddhāvimutta).
- Bậc Thân chứng là bậc có định quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).
- Bậc Kiến chí là bậc có tuệ quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).
- Bậc Tín giải là bậc có tín quyền tăng thịnh (hơn 4 quyền kia).
Nói dễ hiểu hơn, vị nương theo đức tin để tu tập, chứng đắc quả Dự lưu, gọi là bậc Tín giải (nương theo Giới của bát Chánh đạo), vị nương theo định (thiền chỉ, Định của bát Chánh đạo) tu tập chứng quả Dự lưu là bậc Thân chứng, vị nương theo trí quán (tuệ quán, Tuệ của bát Chánh đạo) để tu tập chứng quả Dự lưu là bậc Kiến chí, đức tin ở đỉnh cao xem như thuộc về giới học.
Như vậy, Giới trong kệ ngôn trên đã bao hàm bố thí trong đó.
Mặt khác, bố thí có đặc tánh làm cho tâm trở nên nhu nhuyễn, dễ thích ứng với việc thiện, chính bố thí làm cho tâm có thói quen nhu nhuyễn và sẵn sàng thực hành giới – định – tuệ trong thiền Minh sát (vipassanā samādhi).
Theo tâm lý thông thường: người phật tử đến chùa hoặc bảo tháp mà không có gì cúng dường, thường cảm thấy vụng về, tâm không được hoan hỷ lắm, đồng thời sự sẵn sàng thọ giới, nghe pháp hoặc hành thiền… khó khởi lên trong tâm, trái lại khi có vật cúng dường, tâm thường hoan hỷ, sẵn sàng thọ giới, hành thiền…
Chưa trở thành vị A-la-hán ngay trong kiếp sống hiện tại, tất phải còn sanh tử luân hồi, nếu không thực hành pháp bố thí trong hiện kiếp, sẽ rất khó khăn có được những điều kiện tốt đẹp trong kiếp sống mới.
Vị nữ thánh Visākhā có thói quen thường mang theo lễ vật để cúng dường chư Tăng mỗi khi đi đến tự viện hay đến viếng Đức Phật: vào buổi sáng là cơm, đồ ngọt hoặc trái cây, vào buổi chiều là các thứ nước có dưỡng tố để làm thuốc trị bịnh.
Không bố thí, cho dù có tái sanh trở lại làm người, người này vẫn cảm thấy bị thiếu thốn về vật chất, họ cảm thấy không có chúng họ không thể tạo phước. Trong trường hợp ấy, người ta có thể lý luận rằng “chỉ cần chuyên tâm thực hành giới – định – tuệ là đủ”, nhưng thực tế thì không dễ chút nào.
Nên hiểu rằng: “Tu tập giới – định – tuệ được tốt đẹp dễ dàng, dẫn đến thành công là do có quả của bố thí trong quá khứ hổ trợ “.
Người còn phải đi tiếp chuyến hành trình dài cần phải chuẩn bị sẵn lương thực, bao giờ sắp kết thúc chuyến du hành, bấy giờ mới không cần chuẩn bị thêm lương thực. Cũng vậy, với người chưa sẵn sàng tinh cần thực hành giới, định, tuệ, cần phải thực hành bố thí Ba-la-mật.
Nhờ có tài sản phát sanh từ bố thí, người ấy mới có thể chuyên tâm thực hành bất cứ loại phước nào theo ý thích, tức là khi thực hành giới – định – tuệ tâm không còn vướng bận về “cái ăn, cái mặc…”.
Trong số những phàm nhân lữ hành trong luân hồi, thì chư Bồ tát Chánh đẳng giác là cao quí nhất, sau khi được thọ ký thành Phật Chánh giác trong tương lai, vị Bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật để chứng đạt Nhất thiết trí (sabbaññutaññāṇa), thời gian tối thiểu phải là bốn A-tăng-kỳ (asaṅkheyya) và một trăm ngàn kiếp trái đất (mahākappa).
Bồ tát Độc Giác Phật phải là hai A tăng kỳ và một trăm ngàn kiếp trái đất.
Bồ tát Thinh văn cao nhất (aggasāvakā) (như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên) là một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.
Và Bồ tát đại Thinh văn (như Ngài Ca-diếp, Ānanda, Đại Ca-chiên-diên…) là một trăm ngàn kiếp trái đất.
Do đó, đối với vị Bồ tát khi còn là kẻ lữ hành trong luân hồi, thì bố thí Ba-la-mật có tầm quan trọng hàng đầu.
Như vậy, kệ ngôn trên được Đức Phật thuyết lên, dành cho những vị đã đủ nhân duyên để chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Những ai chưa thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật thì không nên cho rằng bố thí Ba-la-mật là không quan trọng.
Một số người thắc mắc rằng: “có thể chứng đắc Niết Bàn nếu chỉ thực hành mỗi pháp bố thí không?”.
Đáp: “Chỉ thực hành mỗi một pháp Ba-la-mật như bố thí hoặc trì giới hoặc tu thiền sẽ không đem lại kết quả chứng đắc Niết Bàn được”.
Vì thực hành riêng pháp bố thí nghĩa là không có sự trì giới hoặc tu thiền đi kèm, khi không có giới luật để thu thúc hành động – lời nói, người ta dễ rơi vào việc ác từ thân, ngữ. Và đã không thực hành pháp thiền, dĩ nhiên không phát sanh trí tuệ, như Phật ngôn:
Tu thiền, trí tuệ sanh.
Bỏ thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã.
Đưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực.
Khiến trí tuệ tăng trưởng”.Yogā ve jāyati bhūri
Ayogā bhūrisaṅkhayo
Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā.
Bhavāya vibhavāya ca
Thath’attānaṃ niveseyya.
Yathā bhūri pavaḍḍhati.
Như vậy chỉ thực hành mỗi pháp bố thí Ba-la-mật, không có khả năng chứng đạt Níp-bàn.
Một người chỉ bố thí mà không giữ giới, sẽ không ngăn trừ được những thói hư tật xấu, rất khó bảo đảm cho kiếp sống sau được tốt đẹp, còn nói gì đến việc chứng đắc Níp-bàn.
Nói rộng hơn: “chỉ thực hành một pháp hoặc bố thí, hoặc trì giới hoặc tu thiền đều không thể chứng đạt Níp-bàn. Ba pháp này tương quan mật thiết với nhau, hổ trợ lẫn nhau”.
Một người chỉ giữ giới, không hành thiền cũng chẳng đi về đâu cả, không thể sang bờ bên kia.
Tương tự, một người không giữ giới mà cố gắng hành thiền, sự cố gắng ấy trở nên vô ích, ví như hạt giống tốt được gieo trên đất nóng đỏ, không thể nẩy mầm được, chỉ có thể thành tro than.
Lại nữa, trong phần bố thí Ba-la-mật của bộ Phật tông (Buddhavaṃsa) có nói rõ: “bố thí hay cúng dường không phân biệt đối tượng thọ nhận: bậc cao, bậc trung hoặc thấp”.
Nhưng kinh Cúng dường phân biệt (Dakkhiṇāvibhaṅga sutta) trong Trung Bộ Kinh (Majjhima nikāya) Đức Phật dạy về bảy cách Tăng thí, mười bốn đối tượng cá nhân thí. Và quả lợi ích tăng dần theo thứ tự từ ít đến nhiều của từng đối tượng thọ thí (từ thấp đến cao), dĩ nhiên quả phước lớn nhất là dâng đến chư Tăng.
Xem ra có sự mâu thuẫn giữa bộ Phật tông và bài kinh Cúng dường phân biệt.
Thật ra, nên hiểu rằng: “Đối tượng Đức Phật thuyết giảng kinh Cúng dường phân biệt là những người bình thường và chư Thiên, còn trong bộ Phật tông, đối tượng lại là Đức Bồ tát Chánh giác”.
Mục tiêu của Bồ tát Chánh giác không phải là quả an lạc từ bố thí, mà là Phật trí (sabbaññutaññāṇa). Trí tuệ này chỉ có một không thể có hai để so sánh cao, trung hay thấp, không thể nói trí Chánh giác này cao hơn trí Chánh giác kia.
Bồ tát Chánh giác bố thí bất cứ cái gì có được đến bất cứ chúng sanh nào cần đến, Ngài không cần phải suy xét rằng: “Đây là đối tượng thấp kém, nếu bố thí đến chúng sanh này, về sau ta chỉ chứng được Nhất Thiết Trí bậc thấp. Đây là chúng sanh bậc trung, nếu bố thí đến chúng sanh này, về sau ta chỉ chứng được Nhất Thiết Trí bậc trung …”. Và bố thí không phân biệt đối tượng là truyền thống của chư Bồ tát Chánh giác.
Lại nữa, là Bồ tát Chánh giác Ngài thường suy xét với ba đối tượng nhận vật thí như sau:
- Khi người thọ thí là người thân thì vị ấy vui mừng quán xét: “Đây là người thân, người ấy đang cần đến ta”. Thế là tâm vị Bồ tát hoan hỷ bố thí.
- Khi người thọ thí là người bình thường (xa lạ), vị Bồ tát vui mừng quán xét: “Với bố thí này, ta chắc chắn sẽ có được tình thân hữu với người ấy” và tâm Ngài vui thích trong bố thí.
- Nếu người thọ thí là kẻ thù, Ngài đặc biệt hoan hỷ mà quán xét: “Kẻ thù của ta mà còn đến nhờ ta, với hành động bố thí này, kẻ thù của ta sẽ không còn, thay thế vào đó là “một người thân của ta”.
Cũng nên lưu ý rằng: “Đây là cách quán xét trước khi cho để tạo hoan hỷ trong thí sự”, sau khi cho vị Bồ tát không còn tâm dính mắc đến người thọ thí nữa.
Do vậy, vị ấy bố thí đến người không thân không thù hay cho đến kẻ thù đều làm như cách đối với người thân. Đây là ý nghĩa “bố thí sự đặt trên lòng bi mẫn (karuṇā)”.
Ngược lại, mục đích của phàm phu tầm thường thuộc nhân loại hoặc chư Thiên, khi thực hành bố thí là mong đạt được những lợi ích thuộc về thế gian. Vì vậy họ sẽ chọn lựa đối tượng thọ lãnh tốt nhất để nhận vật thí, đồng thời có cách xử sự khác nhau đối với ba đối tượng thọ thí: thân, không thân không thù và kẻ thù.
Như vậy, không hề có sự mâu thuẩn giữa bộ Phật tông và bài kinh Cúng dường phân biệt.
Xác định được mục đích, những phương tiện cùng phương pháp thực hành, đó là việc làm của người tầm cầu chân giải thoát, là con đừơng của vị Bồ tát phải đi qua.
Bồ tát dù là bậc nào (Thinh văn, Độc giác hay Toàn giác), thuộc hạnh nào (tấn hạnh, tín hạnh hay tuệ hạnh) cũng chỉ có mục đích duy nhất là “giải thoát khỏi sinh tử luân hồi”.
Đức Phật có dạy: “Các pháp lấy dục (chanda) làm căn bản”.
Mong ước thành tựu được pháp cao thượng như Đạo – quả – Níp Bàn, nhất là đạt đến trạng thái tâm không còn ô nhiễm, chấm dứt mọi hệ lụy của thế gian, không còn trôi lăn trong vòng sanh tử. Loại mong ước này, gọi là pháp dục (dhammacchanda), tất cả chư Bồ tát đều xuất phát từ loại mong ước này.
Đức Phật dạy:
- Vị Tỳ khưu có tín tâm, nếu mong cầu (āyācana) chân chánh, sẽ ước nguyện được như Sāriputta và Moggalāna….
- Vị Tỳ khưu ni có tín tâm. nếu mong cầu chân chánh, sẽ ước nguyện được như Tỳ khưu ni Khemā (đệ nhất trí tuệ trong hàng nữ Thinh văn) và Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā (đệ nhất thần thông trong hàng nữ Thinh văn).
- Cận sự nam có tín tâm, nếu mong cầu chân chánh, sẽ ước nguyện được như Trưởng giả Citta (đệ nhất thuyết pháp trong hàng nam cư sĩ), và Trưởng giả Hatthaka (tối thắng về bốn nhiếp pháp trong hàng nam cư sĩ). Hai vị cận sự nam này đều là bậc Bất lai (anāgāmi).
- Cận sự nữ có ước nguyện chân chánh sẽ ước nguyện được như cận sự nữ Khujjuttarā (đệ nhất thuyết pháp trong hàng cận sự nữ) và Veḷukaṇṭakī (đệ nhất về tu thiền trong hàng nữ cư sĩ).
Không có sự mong ước dễ dẫn đến sự thờ ơ khi hành pháp thiện, trái lại khi thực hiện có ước nguyện, khiến tâm tăng thêm sức mạnh, việc thiện được làm một cách cẩn thận tốt đẹp.
Như vậy, bố thí Ba-la-mật là “đem cho mà không mong cầu dục lạc thế gian, không phân biệt đối tượng và có sự mong mỏi thành tựu quả giải thoát sinh tử luân hồi”.
Bố Thí Ba La Mật - Bố Thí Độ - Dāna Pāramitā
Tỳ khưu Chánh Minh biên soạn