Pháp vô ngã không những có trong ngũ uẩn, mà còn gồm có trong các pháp hữu vi và pháp vô vi.
Đức Phật dạy: Sabbe dhammā anattā.
Tất cả các pháp hữu vi, pháp vô vi đều là pháp vô ngã.
- Pháp hữu vi: Đó là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới…là pháp được cấu tạo bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực. Các pháp hữu vi này đều là pháp vô ngã.
- Pháp vô vi: Đó là Niết Bàn (kể cả pháp chế định) là pháp không bị cấu tạo bởi 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực. Pháp vô vi này cũng đều là pháp vô ngã.
Pháp vô ngã này chỉ có trong Phật giáo; ngoài Phật giáo, hoàn toàn không có quan niệm về pháp vô ngã này.
Thật vậy, trong đời, người nào không biết về Phật giáo, người ấy có thể có quan niệm về vô thường, quan niệm về khổ, nhưng không bao giờ có quan niệm về vô ngã.
Ví dụ: Khi người ta gặp trường hợp người hoặc vật đang có hiện hữu rồi chết hoặc mất, không còn hiện hữu nữa. Người ta than rằng: Vô thường! Vô thường! Có rồi không có!
Khi người ta mắc bệnh hoạn hoặc ốm đau, bệnh nan y khó chữa, hoặc gặp phải tai nạn bi thương… người ta thốt lên rằng: Khổ quá! Khổ quá! Không chịu đựng nổi!
Trong những trường hợp ấy chẳng bao giờ nghe người ta thốt lên: Vô ngã! Vô ngã!
Bởi vì, những người ấy không có quan niệm về vô ngã, mà chỉ có tà kiến thấy sai, chấp lầm từ ngũ uẩn bên trong của mình và ngũ uẩn bên ngoài (của người khác) cho là ngã, ta, người, chúng sinh v.v… mà thôi.
Vả lại, những người ấy có quan niệm về vô thường, khổ quá thô thiển; nghĩa là mỗi khi gặp hoàn cảnh xấu, trường hợp có rồi không có, lâm bệnh, tai nạn… thì mới thốt lên: Vô thường! Khổ quá!
Trong cuộc sống bình thường, những người ấy có tà kiến thấy sai chấp lầm đảo điên, trong ngũ uẩn bên trong của mình và ngũ uẩn bên ngoài (của người khác), chúng sinh khác cho rằng: thường, lạc, ngã, tịnh.
Trong Phật giáo, những người nào học hỏi nghiên cứu, thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, những người ấy có ý thức rõ ràng về vô thường, khổ, vô ngã vô cùng vi tế, sâu sắc. Thật ra: Vô thường, khổ, vô ngã có trong thật tánh của các pháp hữu vi, bởi vì pháp hữu vi sinh rồi diệt không ngừng, nên có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã. Đặc biệt nhất đối với hành giả đang tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ phát sinh, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, nên trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn bằng chánh kiến thiền tuệ mới diệt được tà kiến, thấy sai chấp lầm nơi sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cho rằng: thường, lạc, ngã, tịnh.
Tự ngã có thật hay không?
Đức Phật dạy: Tất cả các pháp hữu vi, pháp vô vi đều là pháp vô ngã. Như vậy, theo giáo pháp của Đức Phật thì không có tự ngã, cái ta thật.
Thật vậy, người ta có quan niệm rằng ta đi, ta đứng, ta ngồi, ta nằm, ta thấy, ta nghe, ta ngửi, ta nếm, ta cảm giác, ta suy nghĩ, ta buồn, ta vui, v.v… và v.v… Trong vô số cái ta ấy, thử hỏi cái ta nào là cái ta thật?
Sở dĩ, có vô số cái ta ấy, là do tà kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn hay nói cách khác do tà kiến thấy sai, chấp lầm từ sắc pháp từ danh phápcho là ta, ngã. Khi có tà kiến thấy sai, chấp lầm từ ngũ uẩn, hoặc sắc pháp, danh pháp bên trong của mình cho là ta, ngã; thì cũng thấy sai, chấp lầm ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp bên ngoài (của người khác) của chúng sinh khác cho là người, chúng sinh v.v…
Như vậy, cái ta thật không có, mà chỉ có tâm tà kiến là có thật.
Tự ngã, cái ta không có thật, thì phương pháp diệt ngã cũng không có.
Tâm tà kiến có thật, nên phương pháp diệt tâm tà kiến có thật
Nếu khi đã diệt được tâm tà kiến theo chấp ngã rồi, thì chắc chắn không còn thấy sai, chấp lầm từ sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, hoặc từ sắc pháp, từ danh pháp cho là ta, là người, là chúng sinh v.v… vĩnh viễn không phát sinh lại được nữa.
Phương pháp diệt tâm tà kiến chỉ có cách tiến hành thiền tuệ mà thôi. Khi trí tuệ thiền tuệ phát sinh tuần tự từ thấp đến cao qua 16 trí tuệ thiền tuệ, lần thứ nhất, đến trí tuệ thứ 14 gọi là Nhập Lưu Thánh Đạo Tuệ. Chính trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới này có Niết Bàn làm đối tượng, mới có khả năng đặc biệt diệt đoạn tuyệt được tâm tà kiến theo chấp ngũ uẩn(sakkāyaḍiṭṭhi) hoặc tà kiến theo chấp ngã (attānuḍiṭṭhi). Cho nên, đối với bậc Thánh Nhập Lưu hoàn toàn không còn tà kiến theo chấp ngũ uẩn, hoặc tà kiến theo chấp ngã, bất cứ lúc nào trong kiếp hiện tại, hoặc kiếp vị lai (nhiều nhất 7 kiếp nữa).
Chấp ngã có 3 loại
Sự chấp ngã có 3 loại:
- Tà kiến theo chấp ngã.
- Tham ái theo chấp ngã.
- Ngã mạn theo chấp ngã.
Tà kiến theo chấp ngã: Tà kiến theo chấp sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn… cho là tự ngã của ta (eso me attā). Bậc Thánh Nhập Lưu có khả năng diệt đoạn tuyệt được loại tà kiến theo chấp ngã này không còn dư sót, còn lại tham ái theo chấp ngã và ngã mạn theo chấp ngã vẫn còn. Song bậc Thánh Nhập Lưu không bao giờ tạo ác nghiệp nặng nào có thể cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; chỉ tái sinh cõi người hoặc cõi trời dục giới nhiều nhất là 7 kiếp, đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Tham ái theo chấp ngã: Tham ái theo chấp sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cho là của ta (etaṃ mama). Bậc Thánh Bất Lai có khả năng diệt đoạn tuyệt được loại tham ái theo chấp ngã trong cõi dục giới. Còn tham ái loại vi tế trong bậc thiền hữu sắc, bậc thiền vô sắc, trong cõi sắc giới, cõi vô sắc giới chưa diệt được và ngã mạn theo chấp ngã cũng chưa diệt được. Cho nên, bậc Thánh Bất Lai mãn kiếp ở cõi người, không trở lại tái sinh cõi dục giới, mà chính bậc thiền hữu sắc (hoặc bậc thiền vô sắc) sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới (hoặc cõi trời vô sắc giới) và chắc chắn sẽ trở thành Bậc Thánh Arahán trên cõi trời sắc giới ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Ngã mạn theo chấp ngã: Ngã mạn theo chấp sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn… cho là ta (eso hamasmi). Bậc Thánh Arahán có khả năng diệt đoạn tuyệt được loại ngã mạn theo chấp ngã này, và tham ái theo chấp ngã loại vi tế trong các bậc thiền và cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới. Cho nên, bậc Thánh Arahán mãn kiếp ở cõi người, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hối trong ba giới bốn loài.
Chấp ngã – không chấp ngã
Tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng, hễ còn là phàm nhân, chưa phải Thánh Nhân, thì còn chấp ngã do bởi phiền não, nhất là tà kiến, tham ái, ngã mạn.
Sở dĩ một số phàm nhân vẫn còn có chấp ngã, là vì họ không đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí trong Phật giáo, với bậc Thánh Thanh Văn; không được lắng nghe chánh pháp, không hiểu biết chánh pháp, không hành pháp hành thiền tuệ, không chứng đắc thành bậc Thánh Nhân… Do đó, số phàm nhân ấy có phiền não nặng nề, nên còn chấp ngã, rồi tự làm khổ mình, làm khổ người, làm khổ mình lẫn người, trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.
Còn những hạng thiện trí phàm nhân thường đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí trong Phật giáo, với bậc Thánh Thanh Văn Giác; được lắng nghe chánh pháp, hiểu biết chánh pháp, tiến hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não trở thành bậc Thánh Arahán. hoàn toàn không còn tà kiến, tham ái, ngã mạn nữa, bậc Thánh Arahán có trí tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn này là:
- Không phải tự ngã của ta (na me so attā).
- Không phải của ta (netaṃ mama).
- Không phải là ta (nesohamasmi).
Cho nên, bậc Thánh Nhân không còn làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình lẫn người.
Nếu hành giả tiến hành thiền tuệ mà chưa chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả nào, thì vẫn còn là hạng thiện trí phàm nhân (kalyāṇaputhujjana) chưa diệt được tà kiến chấp ngã. Tuy hạng thiện trí phàm nhân còn tà kiến chấp ngã, nhưng tà kiến chấp ngã này chỉ có trở ngại cho Siêu tam giới thiện pháp mà thôi, chứ không làm trở ngại cho việc tạo mọi tam giới thiện pháp đó là dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp. Cho nên, hạng thiện trí phàm nhân này sau khi chết:
- Nếu có dục giới thiện nghiệp cho quả tái sinh, thì được tái sinh làm người, hoặc làm thiên nam hoặc làm thiên nữ ở 1 trong 6 cõi trời dục giới.
- Nếu có sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh, thì được tái sinh làm phạm thiên ở 1 trong 16 cõi sắc giới phạm thiên.
- Nếu có vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh, thì sinh làm phạm thiên ở 1 trong 4 cõi vô sắc giới phạm thiên.
Như vậy, tà kiến chấp ngã của hạng thiện trí phàm nhân chỉ có trở ngại cho pháp Siêu tam giới, nghĩa là ngăn cản sự chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn mà thôi.
Trưởng lão Hộ Pháp - Aggamahapandita
Trích sách Nền tảng Phật Giáo
Nguồn: Hoàng Văn Toàn