Ai cũng có thể bố thí - cho đi, nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa hành động đó với chính mình. Coi cho đi như một hành động để giúp người khác, chỉ là góc nhìn chưa đầy đủ, đằng sau sự cho đi nên là sự từ bỏ dính mắc của chính mình.
Hành động bố thí (cho đi) tuy giống nhau nhưng người có trí tuệ bố thí đem lại an vui cho mình, cho người, bố thí khi tâm đã giảm tham mà hướng về sự xả ly. Với một mức độ tâm vô cùng mạnh mẽ vì có sự hiểu biết, có sự quyết tâm và sự suy xét chân chính nên hành động mạnh mẽ và hướng đến những mục đích cao cả.
Cho đi như thế thì cho đi càng nhiều mình càng xả bỏ, thảnh thơi và phát triển tâm ly tha, từ bi...vv còn cho đi để mong cầu đền đáp, cầu phước, hay để được đánh giá cao, cũng có người cho đi khi tiện dịp, khi dễ dàng, khi thích thú thì sự cho đi ấy đôi khi làm càng nhiều càng phát triển tâm tham, càng dính mắc nên càng đau khổ.
Bố thí hợp trí
- Hoan hỷ trước, trong, sau khi bố thí
- Bố thí với ước nguyện xả ly hoàn toàn (chứng ngộ Niết Bàn - vô sở hữu)
Trước khi bố thí:
- Có lòng tin vào nghiệp thiện mình làm sẽ ra quả thiện
- Có tâm tế độ (tâm muốn giúp đỡ người khác, nhất là bố thí để giúp họ biết tự họ thực hành điều thiện, vậy là tự họ biết gieo nhân thiện thì chắc chắn họ sẽ gặt quả thiện)
Trong khi bố thí:
- Tôn trọng
- Tự tay làm
- Vật thí trong sạch (không do làm ác mà có)
- Đúng thời điểm phù hợp
- Không làm khổ mình khổ người
Sau khi bố thí:
- Có sự suy xét chân chính rằng: Vật bố thí vô thường, Người bố thí và người nhận thí đều Vô Ngã, Vô thường để xả bỏ tâm dính mắc.
Nguyện cho tôi và quý vị đều nhận thấy giá trị của bố thí có trí, để cùng nhau cố gắng phát triển tâm ly tham mà thực hành bố thí với trí tuệ.
Nguồn: Thiền giữa đời thường