Chánh kiến (Samma - Ditthi)

Trước khi thực hành thiền chánh niệm, chúng ta phải hiểu chánh kiến là gì. Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn của chánh kiến; Ngài đã đặt chánh kiến lên vị trí đầu tiên trong Bát Chánh Đạo để dẫn hướng và giúp cho bảy yếu tố còn lại dễ hiểu hơn. Bằng việc đọc hoặc nghe Phật Pháp, chúng ta có thể đạt đến sự hiểu biết ở mức văn hoặc tư tuệ về chánh kiến. Tuy nhiên chỉ khi thực hành, chúng ta mới đạt đến cái hiểu thực sự; chúng ta phải thấu hiểu lời dạy của Đức Phật bằng cách xem xét thật kỹ những diễn biến trong chính tâm mình.

Bằng cách đơn giản là quan sát với tâm chánh niệm và sự tĩnh tại, chúng ta sẽ sớm thấy đúng bản chất của tâm, không phải “Tôi”, không phải là tự ngã, không phải cá nhân nào cả, không ai ở đó, tâm chỉ là một hiện tượng tự nhiên. Chỉ khi có chánh kiến như vậy, bạn mới có thể thực sự chánh niệm và thực hành thiền vipassanā. Bạn đang thực hành để khám phá ra bản chất này. Có thể sẽ mất một khoảng thời gian trước khi bạn có thể hoàn toàn đưa chánh kiến vào trong pháp hành của mình, nhưng bằng cách chánh niệm và tìm hiểu những điều đang diễn ra trong tâm, bạn sẽ bắt đầu thấy bản chất tự nhiên trong tất cả các kinh nghiệm của mình.

Vài hành giả nói rằng việc thấy tà kiến dễ hơn thấy chánh kiến. Hiển nhiên là vậy! Bởi vì khi bạn có chánh kiến, tà kiến sẽ không hiện diện ở đó. Vì vậy, khi bắt đầu lộ diện, tà kiến sẽ dễ bị nhận ra nếu bạn có sự quan tâm và chú ý để thấy được nó. Điều cần thiết là liên tục kiểm tra mức độ chánh niệm cũng như sự ổn định của tâm. Nếu bạn có thể duy trì hành thiền như vậy, kết hợp việc quán chiếu các kinh nghiệm và đưa ra câu hỏi cho tâm, câu trả lời sẽ xuất hiện. Thực tập như vậy giúp chúng ta thấy được bản chất của các hiện tượng, đây là hiểu biết chân chánh. Khi đạt đến đây thì những yếu tố khác trong việc thực hành sẽ tự động vào guồng.

Trong phần hỏi đáp của một khóa tu tại Cộng hòa Séc, một hành giả đã hỏi tôi một câu rất thú vị: “Chúng ta có chánh kiến và tà kiến, vậy mục đích của tà kiến là gì?” Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này, vì vậy, tôi tò mò tìm hiểu xem tại sao chúng ta có tà kiến. Kết quả là: mục đích của tà kiến chính là sự hiện hữu, hay sự tồn tại. Trí tuệ và chánh kiến tách biệt khỏi vòng luân hồi (vòng tuần hoàn của sinh ra, tồn tại và chết). Ngược lại, tà kiến có mục tiêu hướng đến và hòa vào vòng luân hồi. Nó muốn trở thành bản ngã, muốn hiện hữu và trường cửu, muốn tồn tại. Đó là lý do vì sao việc thực hành liên tục quan trọng đến vậy. Nó cho phép chúng ta phát hiện, nghiên cứu và hiểu được tà kiến. Nếu không có chánh niệm, sẽ không có sự hiểu biết và tà kiến sẽ tự động hiện diện.

Hãy luôn nhớ rằng thiền chánh niệm là một quá trình học hỏi mà bạn sẽ tìm ra mối quan hệ giữa thân và tâm. Tâm có thể căng thẳng và mệt mỏi khi quan sát các đề mục. Hãy để mọi thứ đơn giản và tự nhiên, chỉ cần thư giãn là được. Không cần thiết phải chậm lại một cách thiếu tự nhiên. Bạn đơn giản là muốn thấy pháp theo đúng bản chất của nó. Chánh niệm thực sự không phải là tập trung chú ý mà chỉ đơn giản là sự hay biết các đề mục. Thực hành như vậy, tâm bạn sẽ luôn tươi mới. Bạn không cần phải biết thật rõ mọi chi tiết kinh nghiệm của mình. Chỉ cần chánh niệm và hay biết mình đang chánh niệm trên đối tượng nào. Hãy thường xuyên hỏi bản thân những câu hỏi này: “Tôi đang chánh niệm trên cái gì?”, “Mức độ chánh niệm của tôi ra sao?” Việc này sẽ giúp cho chánh niệm diễn ra liên tục.

Hãy nhớ rằng: đề mục chỉ là đề mục thôi, không có con người nào ở đó, chỉ là diễn biến tự nhiên. Đây là chánh kiến. Tôi vừa đề cập sơ lược về những yếu tố căn bản tạo nên việc hành thiền tốt và những hiểu biết cần thiết để bắt đầu thực tập tại bất kỳ thời khắc nào. Tất cả những gì tôi giảng không khác gì thông tin được đưa vào một phần mềm trong máy tính. Tôi cho bạn dữ liệu, nó đi vào tâm của bạn, hãy nghĩ về nó và bằng cách nào đó ứng dụng vào việc thiền tập của mình, hãy xây dựng thêm lên từ đấy. Ban đầu khi bắt tay vào thực hành, chúng ta sẽ có nhiều điều lạ lẫm, chưa hiểu rõ hướng dẫn và không biết phải làm gì. Chuyện này sẽ làm chúng ta căng thẳng và bối rối. Chúng ta thử nhiều thứ khác nhau mà cũng không biết chúng có hiệu quả không. Đôi khi, làm như vậy không đem lại tác dụng.

Do đó, ban đầu, thứ quan trọng nhất đưa vào thiền chính là những lời giảng của các vị thầy, những gì bạn đọc trong các sách hướng dẫn chẳng hạn như cuốn sách này và hiểu biết căn bản của bản thân. Điều cần thiết là bạn có bước khởi đầu đúng, đó là với chánh kiến.

Trong Bát Chánh Đạo mà Đức Phật chỉ dạy, hai chi phần đầu tiên bao gồm chánh kiến (sammā ditthi) và chánh tư duy (sammā sankappa), có nghĩa là hiểu biết đúng. Ba chi phần kế tiếp liên quan đến đạo đức, hay là giới (sīla). Đó là chánh ngữ (sammā vāchā), chánh nghiệp (sammā kammanta) và chánh mạng (sammā ājīva). Chánh tinh tấn (sammā vāyāma), chánh niệm (sammā sati) và chánh định (sammā samādhi) tạo thành nhóm gồm ba chi phần cuối cùng.

Nếu chi phần đầu tiên, chánh kiến, được áp dụng một cách thông minh và khéo léo thì một cách tự nhiên, toàn bộ các chi phần còn lại trong Bát Chánh Đạo cũng trở nên thiện xảo, chân chánh. Khi chúng ta thực hành vipassanā, việc có chánh kiến mang tính chất quyết định. Tôi không biết phải lặp đi lặp lại điều này bao nhiêu cho đủ. Đây chắc chắn là điều quan trọng nhất trong pháp hành bởi vì một khi không có chánh kiến, tà kiến sẽ tự động hiện diện. Tà kiến là tâm si mê. Tà kiến là sự dính mắc vào kinh nghiệm diễn ra. Nếu chúng ta coi những gì mình đang trải qua là tôi hoặc của tôi thì đó chính là tà kiến. Vậy làm sao để quan sát theo chánh kiến? Tâm cần nhìn mọi thứ theo cách như nhau. Đó là mọi kinh nghiệm chỉ là diễn biến tự nhiên. Không có ai quyết định ở đây cả. Tự nhiên chỉ là một quá trình của nhân và quả. Tự nhiên không diễn ra vì chúng ta. Mọi thứ diễn ra quanh chúng ta là tự nhiên; nó tự diễn ra thế thôi. Tâm đang chánh niệm và phản ứng trước các hiện tượng tự nhiên. Đó cũng là diễn biến tự nhiên.

Một hành giả nước ngoài đến thực hành ở tu viện của chúng tôi ngay trước khi mùa mưa đến. Đó là vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Thời tiết nóng gay gắt, nhiệt độ vào khoảng 1050F (khoảng 40.50C). Ngày đến thiền viện, anh ta lên thiền đường để hành thiền vào giữa trưa. Thiền đường dành cho nam giới ở lầu 2 nên thậm chí không khí ở đây còn nóng hơn nữa. Lúc đó, anh ta ngồi xuống thiền, trong đầu nghĩ ngợi “Tôi không làm được đâu, chắc sẽ chảy ra thành nước mất. Tôi sẽ chết.” Anh ta chưa kịp dừng suy nghĩ thì đã nhận ra tâm mình vẫn mát, chỉ có cơ thể đang nóng thôi. Có một sự tách biệt xảy ra trong tâm. Anh ta biết rằng nếu cứ bổ sung nước, chắc chắn sẽ không sao. Anh ấy nhìn thấy cái nóng là một đề mục, chỉ là diễn biến tự nhiên, không phải chuyện của mình. Một hiểu biết về nhân và duyên đã hình thành. Cơ duyên đã chín muồi cho tuệ minh sát này sinh khởi. Vị hành giả ấy có chánh kiến và chánh tư duy hiện khởi trong tâm.

Để lấy một ví dụ khác, tôi muốn hỏi bạn một câu. Khi xung quanh ồn ào hay yên tĩnh, lúc nào sẽ tốt hơn? Khi tâm đánh giá hoặc ưa thích cái gì, nó sẽ tự động phản ứng lại khi cái đối nghịch xuất hiện. Vì vậy, chánh kiến là không thiên vị bên nào: âm thanh chỉ là âm thanh, là hiện tượng tự nhiên. Khi chúng ta đối xử phân biệt với âm thanh: tham và sân sẽ nhảy vào. Âm thanh không liên quan đến việc hài lòng hay không hài lòng. Chỉ có cảm giác (phản ứng) trong tâm là hài lòng hay không mà thôi. Khi bạn hiểu rằng âm thanh dù to hay nhỏ cũng chỉ là âm thanh, thì nó sẽ chẳng ảnh hưởng gì lên bạn. Một khi vẫn còn phản ứng với âm thanh thì sự hiểu biết của bạn vẫn chưa trọn vẹn. Chúng ta có thể học từ phản ứng của mình trước âm thanh, hãy quan sát cách tâm đang phản ứng. Chúng ta có thể có chánh kiến nhưng tâm vẫn tiếp tục phản ứng bởi vì hiểu biết hiện có còn nông cạn. Chánh tinh tấn là duy trì chánh niệm trên các đề mục, cả âm thanh và tâm phản ứng với nó. Từ đây, những thông tin quan trọng được thu thập để trí tuệ sinh khởi trong tương lai. Ngôn từ chúng ta dùng để nhắc nhở bản thân về chánh kiến rất quan trọng.

Từ việc thực hành được duy trì liên tục, chúng ta đạt đến hiểu biết rằng các kinh nghiệm của chúng ta là tự nhiên. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những câu như “không phải tôi”, “ không phải của tôi” không có tác dụng mấy bởi vì tâm thấy rất khó chấp nhận chúng. Câu “Đây là quá trình của tự nhiên” nghe dễ chấp nhận hơn. Tâm sẵn sàng chấp nhận câu này hơn là gò ép mình vào khái niệm về vô ngã. Và điều quan trọng nhất, vẫn là chánh kiến nhận ra sự liên hệ mạnh mẽ với cái ngã đang có mặt. Ví dụ, cái đau ở đầu gối có thể đến rồi đi, nhưng đầu gối thì vẫn còn đó. Có thể dễ dàng nhận ra cơn đau chỉ là một quá trình tự nhiên. Nhưng chúng ta lại liên hệ đầu gối với bản ngã “đầu gối của tôi.” Chánh kiến là thấy được việc bạn đang liên hệ cái đầu gối đến bản ngã của mình (nghĩa là: đây là đầu gối của tôi).

Thầy tôi tới thiền đường mỗi sáng vào một trong những thời thiền tọa chung. Thầy thường đưa ra lời tóm tắt, nhận xét ngắn gọn, sắc sảo mà tôi rất thích và thấy rất hữu ích cho việc thiền tập của mình. Vào một buổi sáng nọ, thầy bước vào thiền đường và bắt đầu giảng. Tôi đang cố gắng bám theo từng chữ trong lời thầy vì giọng thầy rất trầm và ôn hòa. Tôi đang ở phía bên phải của thiền đường, còn thầy đang đứng phía trên bên trái của tôi. Bên phía tay phải của tôi, ở ngoài thiền đường là một lối đi mà dân làng hay dùng để đi tắt xuyên qua tu viện. Trong lúc chúng tôi ngồi yên lặng và lắng nghe lời thầy thì có tiếng động bất thình lình từ phía con đường. Tôi cảm thấy nóng người lên và cơn giận bắt đầu bùng phát từ trong lồng ngực. “Ai mà ồn ào dữ vậy?”, tôi nghĩ. Lúc này, tôi đang căng tai lên mà sao không nghe được chữ nào từ phía thầy. Cơn thịnh nộ bắt đầu. Tôi đã sẵn sàng gào thét. Giữa sự hỗn loạn, lộn xộn đó, một câu hỏi bỗng xuất hiện trong tâm: “Chuyện gì đang xảy ra ở đây?” Ngay trước đó, tôi đang hành thiền và cảm thấy rất bình yên, rồi bây giờ tôi đột nhiên nổi điên. Điều này kích thích sự tò mò và tôi bắt đầu theo dõi tâm. Tôi thấy tâm mình chạy qua bên trái để lắng nghe thầy, kế đến nó chạy qua bên phải để chửi bới, nguyền rủa những kẻ khờ dại đang om xòm ngoài kia. Sau đó, nó lại chạy qua bên trái vì tôi đang khát khao nghe được lời thầy giảng bài nhưng tôi không thể nghe được. Tôi giận ghê gớm. Vậy còn cảm giác bình an mới ở đó vài phút trước giờ đâu rồi? Chuyện gì đã xảy ra trong tâm? Mong muốn được biết và hiểu về chuyện đang diễn ra trong tâm chính là chánh tư duy (sammā-sankappa). Rồi một sự thấu hiểu xuất hiện. Đã có một sự dính mắc vào âm thanh bên trái. Kế đến là có một sự ác cảm ghê gớm với âm thanh xuất hiện bên phải, cùng với những kẻ ngốc ở bên ngoài. Sau khi thấu hiểu như vậy, tôi thấy âm thanh chỉ còn là âm thanh. Không còn nữa sự bám chặt vào lời giảng của thầy hay sự ác cảm đối với những âm thanh bên ngoài nữa. Cả hai chỉ đều là âm thanh, là tự nhiên.

Thấu hiểu điều này, tâm trở nên cân bằng và bình tĩnh đồng thời nhận biết cả hai bên và những thứ khác nữa.

Từ câu chuyện này, tôi đúc kết được một công thức mà tôi gọi là công thức con lắc. Khi tâm dính mắc vào sự việc A ở một mức độ nhỏ nhất, một sự việc khác cản trở hoặc cắt ngang sự việc A, tâm sân sẽ nổi lên ở mức độ tương xứng với mức độ dính mắc. Nếu có sự dính mắc vào A ở mức 65 độ thì khi không thể trải nghiệm A sẽ dẫn đến 65 độ sân hận với việc không thể trải nghiệm này. Đó chính là quá trình hành thiền diễn ra, với sự hứng thú và tò mò tìm hiểu. Khi phiền não xuất hiện, nếu bạn đã sẵn sàng thì bài học sẽ đến và bạn sẽ hiểu biết nó trọn vẹn. Vai trò của chánh niệm là để thu thập dữ liệu. Trong câu chuyện trên, đã có một khát khao hiểu biết bất ngờ xuất hiện.

Chánh niệm giữ vai trò nhận biết tất cả những gì đang diễn ra. Nó biết tâm đang bị kích động và chạy tới chạy lui, kèm theo đó là tất cả các hoạt động và cảm giác diễn ra trong thân và tâm. Khi chúng ta có dữ liệu cho vấn đề, giải pháp chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi không có chánh niệm, chúng ta chỉ có thể nhận ra các đối tượng ở cấp độ thô. Ngay bây giờ chúng ta đang có chánh niệm và chánh định nhưng đó là chánh niệm ở mức độ thô hay vi tế?

Chánh niệm sắc bén có thể thấy được các hoạt động vi tế trong tâm nhưng chánh niệm hời hợt sẽ không bao giờ thấy được những nguyên nhân đang hiện diện. Khi chúng ta đi từ mức độ thô đến mức độ vi tế, chúng ta nói rằng các duyên đã hoàn chỉnh. Đó là khi chúng ta có thể hiểu được bản chất tự nhiên của tâm. Vậy nên khi tôi nói “tìm hiểu” hoặc “thẩm xét”, ý tôi không phải là chủ động suy nghĩ quá đà về những gì đang diễn ra trong tâm. Thông thường, khi quá trình tìm hiểu với sự sáng suốt diễn ra, bánh xe trí tuệ sẽ tự quay với động lực của riêng nó. Tuệ giác có thể sinh khởi từ một phản ứng tâm nhất định, chẳng hạn như trường hợp tôi đã phản ứng với âm thanh bên trong và bên ngoài thiền đường; nó cũng có thể sinh lên từ một cái tâm hoàn toàn tĩnh lặng; hoặc chỉ đơn giản là bất chợt lóe lên. Nếu bạn đang rất chật vật, tâm bạn đang mê mờ, uể oải thì lúc này cần trạch pháp, đưa ra một từ hoặc một câu hỏi ngắn, đơn giản cho tâm mà không mong chờ câu trả lời, trong khi đó vẫn duy trì chánh niệm. Điều quan trọng là phải hiểu rõ thế nào là trạch pháp và thế nào không phải là trạch pháp. Đó không phải là làm rối não thêm bằng cách suy nghĩ quá nhiều về một số vấn đề nào đó mà là quan sát và học hỏi từ các phản ứng cũng như mối quan hệ giữa tâm và các đối tượng quan sát. [1]

Thiền sư U. Tejanya

NIỆM (sati) VÀ TÀ KIẾN (micchā ditthi)

Thiền sinh: Con có nghe thầy nói với một thiền sinh rằng niệm (sati) có liên quan đến tà kiến (micchā ditthi). Thưa thầy, vậy làm sao hai cái đó lại có thể đi cùng nhau được?

Thiền sư: Trong Bát Chánh Đạo đều đề cập đến những cái “chánh” như Chánh Kiến, Chánh Tư Duy…, và như vậy suy ra, có “chánh” thì tất sẽ có “tà”. Để có được “Chánh Niệm” (sammā-sati), thì cần phải có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy đi cùng. Không có hai cái đó thì không thể gọi là Chánh Niệm được. Nếu chỉ quan sát một đối tượng nào đó, chỉ mỗi nhìn nó thôi, thì không thể nói rằng đó đã là Chánh Niệm – sammā-sati. Chỉ khi Niệm có được tính chất không phóng dật (appamāda), không dễ duôi, không quên lãng đề mục đúng đắn cần quan sát hay nói cách khác khi Niệm có phần trí tuệ trong đó, thì nó mới có thể là Chánh Niệm – sammā-sati.

Bây giờ nếu bạn bảo một người hoàn toàn không biết tý gì về thiền hãy tự quan sát chính bản thân mình, bạn nghĩ là họ sẽ làm như thế nào? Họ hành thiền từ góc độ suy nghĩ, từ cách nhìn như thế nào, bạn có biết không? Cái thân CỦA TÔI, cái tâm CỦA TÔI! Đó là tà kiến chứ chẳng phải là chánh niệm gì cả. Chính vì vậy, một điều vô cùng thiết yếu trong thiền là người thiền sinh phải có được những thông tin đúng trước khi họ bắt tay vào thiền tập. Vì vậy, khi hướng dẫn thiền sinh mới, tôi cố gắng chỉ ra cho họ thấy rằng cái chúng ta quan sát chỉ là những hiện tượng tự nhiên, chỉ là tự nhiên, chỉ là pháp đang vận hành mà thôi. Tôi thường yêu cầu thiền sinh suy nghĩ đến những câu hỏi như là: Có phải chỉ có mỗi mình bạn mới thấy được những cảm giác và các trạng thái tâm khác nhau như vậy sao? Thiền sinh cần phải tự hiểu ra rằng tất cả những thứ đó đều chỉ là một phần của tự nhiên, chúng không thuộc về bất cứ một ai cả.[2]

Sayadaw U Tejaniya
[1] "Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên"
[2] "Chỉ Mỗi Chánh Niệm Thì Không Đủ"

Nguồn: Thực hành Vipassana x Thực hành TỨ NIỆM XỨ