Này chư tỳ kheo, hãy chú ý lắng nghe, hãy tác ý khôn khéo, ta sẽ nói pháp thoại này…
Thế nào là khôn, thế nào là khéo?
Giữa hai pháp thiện và pháp bất thiện, ta phải biết pháp nào là tốt, pháp nào là xấu. Ta biết pháp đó là pháp thiện, nhưng ta phải khéo léo áp dụng thành cho mình có phước báu chớ không rớt vô con đường tội lỗi, đó gọi là khôn – khéo.
Giữa hai pháp, mà chúng ta nhìn thấy pháp nào là pháp lợi ích, pháp nào là pháp không lợi ích đó là khôn. Có nhiều người không biết không nhìn ra được pháp nào là lợi pháp nào là hại. Họ lẫn lộn và kẹt vào trong đó, đó là chưa khôn ngoan.
Khôn ngoan thấy được, và biến nó thành của mình cho có phước báu đó gọi là Khéo léo.
Giữa hai pháp, pháp nào là phàm phu, pháp nào là thánh nhân, phải biết được, đó là Khôn. Và khéo léo bỏ phàm tiến tu để trở thành thánh, đó gọi là Khéo.
Khi chúng ta đi vào trong một pháp mà Đức Phật đã nói thì thứ nhất phải có sự đối chiếu. Thứ hai là có sự chọn lọc. Thứ ba nữa là nhận lấy để có kết quả cho mình, chớ không bỏ qua. Đó là khôn khéo ‘manāsikaratha’.
Khi quí vị phân biệt được pháp này với pháp kia, pháp đen với pháp trắng, chúng ta bỏ pháp đen lấy pháp trắng, lấy phước báu cho mình, đánh đuổi đẩy lùi cái bất thiện tội lỗi nghiệp báo của mình đi; đời ta khổ vì quả quá khứ ta gieo trồng không khôn, do đó bây giờ ta phải gặt phải trả, bây giờ ta phải sửa cái nghiệp này lại, khéo léo gặt hái phước báu cho chính mình, đó là khôn khéo.
Nguồn: Anna Dao