Phước báu và hạnh phúc

Chúng ta phải dựa vào Phật Pháp để tìm hạnh phúc. Bất kể đó là gì, bất kể điều gì đó là đúng hay sai, đừng bám chặt một cách mù quáng vào đó. Chỉ việc nhận biết nó và rồi buông bỏ nó. Khi tâm thanh thản, bạn có thể mỉm cười. Giây phút mà bạn bực tức một điều gì, tâm rối ren. Và rồi không còn gì là tốt nữa cả.

Một khi dứt sạch các phiền não, tâm sẽ không còn lo âu - chỉ có sự bình an, thiện lành, và đức hạnh. Khi tâm chiếu diệu và không còn điều ác, nó thanh thản. Tâm tĩnh lặng và bình an là thành quả lớn lao nhất của con người.

Trong Phật Pháp, phước báu là buông bỏ điều ác. Khi không còn điều ác, tâm không còn chỗ cho bất kỳ sự lo lắng nào. Khi không còn lo lắng, tâm sẽ tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng là tâm thanh tịnh, không còn một tư tưởng oán giận nào nữa.

Làm sao để cho tâm trong sáng? Chỉ bằng cách nhận biết nó. Chẳng hạn, bạn có thể nghĩ, “Hôm nay tôi cảm thấy rất bực bội, điều gì cũng làm cho tôi khó chịu, ngay cả mấy cái đĩa trong tủ chén bát". Có thể bạn cảm thấy như muốn đập chúng bể nát. Bất cứ thứ gì trước mắt bạn điều khiến bạn bực bội: gà, vịt, chó, mèo - bạn ghét tất cả. Bất cứ điều gì chồng bạn nói đều khiến bạn bực tức. Ngay cả khi nhìn vào tâm chính mình, bạn cũng thấy bất mãn. Bạn phải làm gì trong trường hợp như thế? Cảm giác đau khổ từ đâu đến vậy? Điều này được gọi là “không có phước báu”. Hiện nay tại Thái Lan, người ta tin rằng có một người chết, phước báu của họ mất theo. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Có rất nhiều người còn sống mà đã hết phước báu rồi.

Đi trên những chuyến xe kiếm phước báu này cũng giống như xây cất một căn nhà xinh đẹp mà không chuẩn bị nền móng cho tốt trước. Không bao lâu, căn nhà sụp đổ. Bạn phải làm lại từ đầu, với một phương pháp khác. Bạn phải nhìn vào chính mình, nhìn vào tật hư, thói xấu nơi thân, khẩu, ý của bạn. Còn nơi nào để cho bạn tu hành nữa chứ? Con người đi lạc hướng. Họ muốn tu hành chánh pháp ở một nơi thật bình an, trong rừng Wat Pah Pong. Nhưng Wat Pah Pong có bình an không? Không, không thật sự bình an đâu. Nơi thật sự bình an là trong căn nhà của chính bạn.

Nếu bạn có trí huệ, ở bất cứ nơi nào, bạn cũng đều cảm thấy tự tại. Thế giới vô sự cả. Cây cối trong đều vô sự: cây cao, cây thấp, cây rỗng ruột, đủ thứ. Chúng chỉ là vậy thôi. Nhưng chúng ta, không nhận biết bản chất thật của chúng, mới có ý kiến này nọ: Cây này quá thấp! Cây này rỗng ruột! Những cây đó chỉ giản dị là cây cối thôi, chúng tốt hơn chúng ta.

Hãy để cây cối dạy dỗ cho bạn. Bạn học được điều gì từ chúng không? Bạn nên cố học ít nhất một điều từ chúng. Có quá nhiều cây, tất cả đều có một điều gì đó để dạy dỗ bạn. Phật pháp hiện hữu ở khắp mọi nơi, trong khắp cả thiên nhiên. Bạn nên biết điều này. Đừng ở đó mà than phiền là cái lỗ quá sâu. Hãy nhìn lại cánh tay của bạn đi! Nếu bạn nhìn thấy điều này, bạn sẽ hạnh phúc.

Nếu bạn kiếm được phước báu hay giữ được giới hạnh, hãy để nó trong tâm bạn. Đó là nơi tốt nhất để bảo tồn nó. Kiếm phước báu theo cách bạn làm hôm nay cũng được, nhưng đó không phải là cách tốt nhất. Đóng góp vào quỹ xây cất tu viện cũng có phước báu, nhưng đó cũng không phải là điều tốt nhất. Làm cho tâm của bạn thiện lành là điều tốt nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ tìm thấy sự thiện lành bất kỳ bạn đến đây hay ở nhà. Hãy tìm thấy sự ưu việt này trong tâm của bạn. Những cấu trúc bên ngoài, như chánh điện này, chỉ là cái vỏ cây; chúng không phải là lõi cây.

Nếu bạn có trí huệ, bất cứ ở đâu, bạn cũng đều nhìn thấy Phật Pháp. Nếu bạn thiếu trí huệ, thì ngay cả những điều tốt cũng trở thành xấu. Sự xấu này từ đâu đến vậy? Từ trong tâm của chúng ta. Hãy thử xem tâm này thay đổi ra sao! Vợ chồng đang chung sống vui vẻ, họ có thể chuyện trò với nhau rất vui vẻ. Nhưng có một ngày khi họ bực tức, bất cứ điều gì người hôn phối của mình nói ra cũng khiến mình khó chịu. Tâm trở nên xấu đi, nó lại thay đổi.

Cho nên để có thể buông bỏ điều ác và trau dồi điều thiện, bạn không cần phải tìm kiếm ở một nơi nào khác. Nếu tâm của bạn trở nên xấu, đừng nhìn vào những người khác. Chỉ nhìn vào chính tâm của mình và tìm xem những tư tưởng này từ đâu đến. Tại sao đầu óc nghĩ những thứ như thế? Hãy biết rằng tất cả mọi thứ đều tạm bợ. Bạn có thương yêu con cái của mình không? Dĩ nhiên là có. Bạn có bao giờ ghét chúng không? Tôi sẽ trả lời điều đó cho bạn luôn. Bạn có lúc tức giận chúng, phải không? Bạn không thể quẳng chúng đi, phải không? Tại sao không? Con cái không giống như những viên đạn. Đạn thì bắn ra ngoài, nhưng con cái bắn ngay vào tim của cha mẹ. Nếu con cái ngoan hiền, cha mẹ nhận lấy sự ngoan hiền đó. Nếu con cái hư đốn, cha mẹ cũng nhận lấy sự hư đốn đó. Bạn có thể cho rằng con cái là nghiệp quả của bạn. Có nghiệp tốt mà cũng có nghiệp xấu. Cả hai thứ tốt và xấu đều ở đó nơi con cái của bạn. Nhưng ngay cả những đứa xấu cũng quý giá. Có thể một đứa sinh ra đã bại liệt hay tật nguyền, và bạn càng thương yêu nó hơn những đứa khác. Mỗi khi đi vắng nhà, dầu chỉ một lúc, bạn phải để lại lời nhắn nhủ, “Nhớ chăm sóc cho đứa út nhé, nó yếu ớt lắm”. Bạn thương nó hơn những đứa con khác.

Con cái là nghiệp quả của bạn. Chúng thích hợp với người chủ của chúng. Chúng là nghiệp chướng của bạn, nên bạn phải có bổn phận đối với chúng. Nếu chúng thật sự làm cho bạn đau khổ, hãy tự nhắc nhở mình, “Đó là nghiệp quả của mình”. Nếu chúng làm cho bạn vui vẻ, hãy tự nhắc nhở mình, “Đó là nghiệp quả của mình”. Đôi lúc đời sống gia đình căng thẳng đến độ bạn muốn trốn chạy đi nơi khác. Có khi tệ đến nỗi có người còn nghĩ đến việc treo cổ tự vẫn! Nó là nghiệp chướng. Chúng ta phải chấp nhận sự thật. Đừng làm những điều dại dột, rồi bạn sẽ có thể nhìn thấy chính mình rõ ràng hơn mỗi ngày.

Đây là lý do tại sao bạn cần tập quán xét sự việc. Khi hành thiền, bạn có thể sử dụng một đối tượng như chữ Buddho, hay một câu nói khác. Chẳng hạn mỗi khi bạn cảm thấy bức rức, mỗi khi đầu óc nghĩ ngợi lung tung, chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn, chỉ việc nói, “Thì sao chứ! Cảm giác này đâu có chắc chắn”. Nếu bạn yêu một người nào, chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Khi bạn cảm thấy muốn tức giận, chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Bạn có hiểu không? Bạn không cần phải nghiên cứu tam tạng kinh điển để biết phải làm sao.

Chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Điều này có nghĩa là “nó chỉ là tạm bợ thôi”. Tình yêu tạm bợ. Sự thù ghét cũng tạm bợ. Điều thiện cũng tạm bợ. Sự ác cũng tạm bợ. Làm sao chúng có thể thường hằng được? Có sự thường hằng vĩnh cửu nào ở trong chúng không?

Phút này thì yêu thương, phút sau thì thù ghét. Là như thế đó. Đó là tại sao tôi nói rằng mỗi khi tình thương phát sinh, chỉ việc nói với nó, “Thì sao chứ!” Nó sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời giờ. Bạn không phải nói, “Vô thường, khổ, vô ngã”. Nếu bạn không muốn thiền án dài dòng, chỉ sử dụng câu nói giản dị này. Nếu tình yêu phát sinh, trước khi bạn chìm đắm trong đó, hãy tự nhủ, “Thì sao chứ!” Thế là đủ.

Mọi thứ đều vô thường. Chỉ nhìn thấy bấy nhiêu thôi là nhìn thấy cốt tủy của Phật pháp.

Bây giờ, nếu mọi người nói, “Thì sao chứ!” thường xuyên hơn, và huấn luyện chính mình theo cách này, thì mọi ràng buộc sẽ tiêu tan dần. Con người sẽ không dính mắc vào sự yêu thương hay thù ghét. Họ không bám víu vào việc gì nữa. Họ sẽ đặt niềm tin của mình vào chân lý, không vào những thứ khác. Chỉ biết bấy nhiêu là đủ rồi. Bạn còn muốn biết gì khác nữa?

Sau khi nghe pháp, hãy ráng nhớ những lời giảng dạy. Bạn nên nhớ điều gì? Thiền định. Có hiểu không? Nếu bạn hiểu, và tin tưởng vào Phật Pháp, đầu óc sẽ ngừng quấy nhiễu bạn. Nếu tâm cảm thấy tức giận, chỉ việc nói, “Thì sao chứ! Nó là vô thường,” và thế là đủ. Nó ngừng ngay tại đó. Nếu bạn vẫn chưa hiểu, hãy suy ngẫm thêm một chút.

Thiền sư Ajahn Chah

Nguồn: Here & Now