Khổ là vấn đề rất sâu xa, khó hiểu, cần phải có trí tuệ là trí tu mới hy vọng thực chứng chân lý về khổ này.
Khổ thân và khổ tâm liên quan đến cảm thọ gọi là khổ ưu. Theo thường tình, người ta thích thú, hài lòng với cảm thọ lạc hỷ và chán ghét cảm thọ khổ ưu. Trong suốt đời sống, tâm thường bắt cảnh qua sáu cửa, mắt bắt cảnh sắc, tai bắt cảnh thinh, mũi bắt cảnh hương, lưỡi bắt cảnh vị, thân bắt cảnh xúc, ý bắt cảnh pháp. Nếu cảnh khả ái thì sinh ham thích, nếu cảnh không khả ái thì sinh chán ghét. Tâm qua lại giữa tham, sân do những xúc chạm này và lạc hỷ hoặc khổ ưu phát sinh là điều không tránh khỏi. Phật ngôn diễn tả rõ hơn về cách tâm ứng xử với tám đối tượng gọi là pháp thế gian. Được lợi, được danh, được khen, hạnh phúc là bốn đối tượng khả ái, làm cho ham thích. Mất lợi, mất danh, bị chê, đau khổ là bốn đối tượng không khả ái, làm cho chán ghét.
Tất cả đối tượng dù là cảnh trần, hoặc pháp thế gian đều vô thường, cái gì vô thường là khổ. Ái là nhân sinh khổ, người ta chạy theo những điều ham thích, dù đang hưởng an lạc cũng thấy khổ ưu rồi do lo âu nó đừng mất, lo làm sao có nhiều hơn. Đến khi thọ lạc thay đổi và thọ khổ sinh thì khổ ưu càng lớn do khao khát tìm lại thọ lạc đã mất.
Cái khổ trở thành lớn khi tham kết hợp với tà kiến. Nghĩ rằng có cái ta trường tồn đang cảm thọ, đồng hóa cảm thọ với cái ta đó. Sự thực thì lạc hỷ, khổ ưu và tâm đồng sinh thuộc về năm uẩn,chỉ là danh sắc, là vô thường, là khổ. Người không có trí tu tập khi thân bị bệnh hành hạ thì thân thức thọ khổ và tác động đến tâm trở thành tâm sân thọ ưu. Khi tâm sân thọ ưu thì cũng tác động lên thân thức thọ khổ. Trong đời sống khi các đối tượng khả ái thay đổi hoặc các pháp thế gian từ được chuyển thành mất thì cũng tạo ra khổ và ưu qua lại như vậy. Đây là cái khổ do người không tu tập dựng lên cho thân tâm và bị cột trói trong đó. Người có trí tu tập khi bị bệnh hành hạ, tâm không bị chi phối bởi thọ khổ đó. Thấy rằng đó là trạng thái thay đổi của danh sắc, không có tham tà kiến phát sinh. Cho nên có thân thức thọ khổ, nhưng không có tâm sân thọ ưu. Nhân của khổ là tham không có, nên quả là khổ ưu tương quan cũng không có. Đối với người như vậy dù chứng bệnh hành hạ khốc liệt cũng không có gì đáng sợ, trái lại nó sẽ giảm cường độ do an trú niệm trong thực tại, trong khi người thường khổ vì bệnh tăng lên do quá vọng tưởng. Người có trí tu tập khi các đối tượng khả ái thay đổi hoặc các pháp thế gian từ được chuyển thành mất thì cũng không tạo ra tâm sân thọ ưu. Đây là cách không bị cột trói trong khổ và là chánh đạo đưa đến hiểu khổ.
Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: "Chắc chắn đã giác hiểu là Kondañña (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondañña!"
Như vậy Tôn giả Kondañña được tên là Aññàta Kondañña (A nhã Kiều trần như).
(Trích kinh Chuyển Pháp luân, HT. Thích Minh Châu dịch)
Bản Miến viết là Aññāsikoṇḍañña. Aññāsi là thì quá khứ, ngôi thứ ba, số ít của động từ jānāti (biết). Sau khi giảng xong kinh Chuyển Pháp luân, Đức Phật tuyên bố Tôn giả Kondañña đã biết. A Nhã là phiên âm của Aññā. Vị tôn giả này là người đầu tiên chứng quả dự lưu. Là người đã hiểu tứ đế. Hoặc nói cách khác, vị ấy đã hiểu khổ, ai hiểu khổ, người đó hiểu tập, diệt, đạo.
Hiểu khổ là hiểu về con người. Thông thường, người ta hiểu con người qua một cái ta thường hằng hoặc một linh hồn bất diệt, đó là hiểu con gười qua chế định. Chính vì vậy không hiểu khổ. Bậc dự lưu hiểu con người là tập hợp của năm uẩn luôn luôn sinh diệt. Hiểu khổ chính là hiểu năm uẩn, còn gọi là năm thủ uẩn vì là quả của chấp thủ quá khứ và là đối tượng của chấp thủ hiện tại. Hiểu khổ chính là năm thủ uẩn là hiểu con người qua chân đế, không có tham tà kiến trong đó. Người hiểu khổ dù cho tiếp cận cảnh tốt, xấu hoặc thành bại của pháp thế gian không ham thích, không ghét bỏ. Không chấp thủ vào những thứ đó với tà kiến do vậy không khởi lên khổ ưu. Dù cho rất an lạc trong định tuệ, vẫn nhận thấy đó là khổ, là thủ uẩn, không chấp thủ trong an lạc, do đó khi thỉnh thoảng an lạc mất không có khổ ưu. Bởi vì vị ấy hiểu rằng các pháp sinh diệt do nhân duyên, cho nên hiểu khổ và tâm không bị ràng buộc trong khổ. Sự hiểu khổ này không phải là kết quả của tâm xao động như sóng biển. Đó là kết quả của trí tu do phát triển định tuệ trên nền tảng niệm.
Trí tu này không phải như cái trí thông thường hằng bị xao động. Đó là cái trí đem lại sự vắng lặng như hồ nước sâu thẳm, từ đó mới hiểu được vấn đề cốt tủy trong cuộc đời là khổ. Sự hiểu khổ này là tri kiến như thực (yathābhūtañāṇadassana). Nhờ trí tu này các bậc hữu học hiểu năm thủ uẩn là khổ và không chấp thủ cùng với tà kiến. Các vị ấy tu tập cái gì? Tu tập Bát thánh đạo. Tuy nhiên cái trí tu của các bậc hữu học để hiểu về khổ cũng chưa hoàn toàn, còn phải tiếp tục tu tập để trừ các phiền não tùy miên. Cho đến khi chánh trí (sammāñāṇa) và chánh giải thoát (sammāvimutti) phát sinh đoạn trừ tất cả lậu hoặc. Đến đây gọi là người hiểu khổ hoàn toàn, khổ chính là các lậu hoặc và không còn chấp thủ nào với các lậu hoặc nữa, cho nên gọi là bậc vô lậu, A la hán.
Trí tuệ (paññā) và trí (ñāṇa) khác nhau như thế nào? Trí (ñāṇa) có chi pháp là tâm sở trí tuệ (paññā). Trí (ñāṇa) kết hợp trong những tâm hợp trí. Trí tuệ (paññā) khi phát triển sẽ cho kết quả là trí (ñāṇa). Tùy theo mức độ có các loại trí khác nhau như trí trong tâm đại thiện, trong thiền sắc giới, vô sắc giới, quán trí, đạo trí, quả trí. Như vậy trí tuệ khi được hành trì thì có quả là trí. Trí tuệ tu tập (bhāvanāmayapaññā) đến mức độ hiểu khổ hoàn toàn sẽ cho kết quả là chánh trí (sammāñāṇa) và chánh giải thoát (sammāvimutti).
Nguồn: Giác Lộc Tỳ Kheo