Chế ngự tâm trạo cử - tâm chán nản - tâm hôn trầm trong tu tập thiền Minh Sát

Thiền quán không phải thực hành bằng thân và khẩu, mà chỉ được thực hành bằng tâm. Cơ chế hoạt động của tâm rất vi tế, khi thì u sầu chán nản, khi thì phấn khởi kích thích. Cả hai trạng thái này đều không tốt cho việc phát triển ngũ quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ). Nhờ tu tập thất giác chi tâm của hành giả mới thích hợp cho việc phát triển ngũ quyền. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu pháp:

Ðể quân bình, hài hòa
Phải không ngừng quán niệm
Tu tập thất giác chi.

Chế ngự tâm trạo cử

Tâm trạo cử là tâm không ổn định mà luôn tán loạn, dao động. Tâm này có thể được chế ngự bởi ba chi trong thất giác chi là: Xả, Ðịnh và Khinh an.

Yếu Pháp:

Khi phóng tâm, trạo cử
Hãy quán niệm tu tập
Niệm Xả, Ðịnh, Khinh an.

Tâm trạo cử có khuynh hướng vọng tưởng những sự kiện trong quá khứ cũng như những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Khi tâm bắt đầu trạo cử, hành giả phải quán niệm ngay trên pháp hiện tại để cho mọi phóng tâm đều được chế ngự. Lúc đó ngũ quyền (Tín Tấn Niệm Định Tuệ) sẽ được tăng trưởng.

Tâm trạo cử thường đi kèm với lo âu và sợ hãi. Người ta lo sợ rằng không biết những tài sản, địa vị, danh vọng mà mình đã phấn đấu đạt được có thể giữ được lâu dài không hay sẽ bị mất mát, huỷ hoại. Hành giả phải loại bỏ sự lo sợ này trong tâm. Hành giả phải chấp nhận mọi thực tế của cuộc sống, cái gì rồi cũng có đến có đi. Biết như vậy, hành giả chỉ quan tâm đến sự thanh thản bình an của thân và tâm. Với sự quán niệm như vậy, Khinh an sẽ phát sinh và ngũ quyền được tăng trưởng.

Chế ngự tâm chán nản

Tâm chán nản phát sinh khi người ta chỉ chú trọng đến thọ lạc mà không thích thọ khổ. Sự chú tâm phải cân bằng trên hai phương diện khổ và lạc thì tâm mới quân bình và tĩnh lặng, thoát khỏi mọi sự tán loạn và do đó ngũ quyền được tăng trưởng.

Hành giả thường có khuynh hướng chán nản khi sự chú tâm bị phân tán. Sau một thời gian dài hành thiền và chẳng tìm thấy sự hứng thú nào hành giả dễ cảm thấy thất vọng. Tất cả những trạng thái tiêu cực này là do thiếu Tinh tấn và Hỷ, dẫn đến ghi nhận thiếu chính xác và hôn trầm. Khi cảm thấy hôn trầm, hành giả nên quán niệm ba chi trong thất giác chi là Tinh tấn, Hỷ và Trạch pháp. Ba chi này là để đối trị lại hôn trầm và chán nản. Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

Khi thiền bị yếu đi
Hãy quán niệm tu tập
Tinh tấn, Hỷ, Trạch pháp.

Chế ngự tâm hôn trầm

Hôn trầm dẫn đến sự uể oải, thụ động. Hôn trầm là hậu quả của trạng thái chán nản và dẫn đến sự thụ động trong cả hai lĩnh vực đời và đạo. Bộ Loka-nìti, một bộ sách đạo đức của phật giáo có minh họa điều này như sau: "Một người hôn trầm không thể có kiến thức, người không có kiến thức, không thể làm ra của cải, người không có của cải thì không có bạn bè, người không có bạn bè thì không có an lạc, người không có an lạc thì không có phước thiện, người không có phước thiện thì không thể chứng đắc Niết -bàn ". Xin hãy đọc 3 lần:

Yếu Pháp:

Người có nhiều hôn trầm
Không thể có kiến thức
Người không có kiến thức
Không làm ra của cải
Người không làm ra của cải
Sẽ không có bạn bè
Người không có bạn bè
Thì không có an lạc
Nếu không có an lạc
Cũng không có phước thiện
Và không có phước thiện
Không đạt đến Niết-bàn

Hành giả phải ghi nhớ rằng dù chúng ta đang có sẵn cuộc đời để mà tu tập, để mà chứng đắc đạo quả nhưng nếu lười biếng và thiếu tinh tấn thì chúng ta còn quá cách xa với mục tiêu của mình là Niết-bàn. Vì vậy hành giả phải phát huy sự tinh tấn và để loại trừ hôn trầm thụ động.

Hôn trầm dẫn đến sự suy yếu còn tinh tấn thì đưa đến thành công. Vì vậy các hành giả nên kiên trì tinh tấn.

Chín yếu tố phát triển Thiền Quán
Thiền sư Kundalàbhivamsa - Tỳ kheo Thiện Minh dịch Việt

Nguồn: Sumangala Bhikkhu Viên Phúc