Khi mới xuất gia, tôi ngồi thiền và cảm thấy nhiều tiếng động quấy nhiễu mình. Tôi nghĩ, "Làm sao để cho tâm được bình an đây?". Thế là tôi lấy sáp ong nhét vào hai lỗ tai để tôi không thể nghe gì nữa. Tôi nghĩ rằng như thế là bình an rồi. Nhưng không. Tất cả những tư tưởng và sự hỗn mang không đến từ lỗ tai. Chúng đến từ trong tâm của tôi. Đó mới là nơi để tìm kiếm sự bình an…
Một trong các đệ tử của tôi rất muốn “BUÔNG BỎ” và tìm sự bình an. Tôi từng giảng dạy về “sự buông bỏ,” nên anh ta nghĩ rằng bằng cách buông bỏ tất cả, anh sẽ được bình an. Ngay ngày đầu tiên đến đây, anh từ chối làm bất cứ công việc gì. Ngay cả khi gió thổi bay mất nửa cái mái chòi của mình, anh cũng không làm gì cả. Anh nói đó chỉ là chuyện bên ngoài. Thế là anh không bận tâm sửa chữa nó. Khi nắng chiếu, anh dời qua, khi mưa rơi, anh dời lại. Công việc duy nhất của anh là tìm kiếm sự bình an. Những việc khác không đáng để bận tâm.
Một hôm tôi đi ngang qua chòi của anh, nhìn thấy mái nhà sụp đổ. “Ủa, chòi của ai vậy?” tôi hỏi. Khi biết đó là chòi của anh ta, tôi mới nói chuyện với anh, giải thích nhiều việc, chẳng hạn như, bổn phận của tăng sĩ đối với chỗ trú ẩn của mình.“Chúng ta phải có một nơi trú ẩn, và chúng ta phải chăm sóc cho nó. ‛Buông bỏ’ không phải giống như vậy. Nó không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm của mình. Đó là hành vi của một người ngu. Khi trời mưa, anh dời qua phía bên này cái chòi. Rồi khi trời nắng chói chang, anh dời trở lại phía bên kia. Tại sao vậy? Tại sao anh không quan tâm gì cả thế?” Tôi giảng giải cho anh ta một hồi lâu.
Khi tôi nói xong, anh ta nói, “Ồ, tôi thật không hiểu. Lúc thì ngài dạy tôi buông bỏ, lúc thì ngài bảo tôi bám víu. Tôi không biết phải làm gì đây. Ngay cả khi mái nhà sụp đổ và tôi đã buông bỏ đến mức độ này, ngài vẫn cho rằng làm như thế là không đúng. Tôi thật không biết phải làm gì mới đúng”.
Có những người như vậy đó. Họ ngu đến như thế.
Thế nào là buông bỏ đúng?
Các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm đều là những thứ có thể giúp bạn phát sinh trí huệ, nếu chúng ta hiểu biết bản chất của chúng. Nếu chúng ta không thật sự hiểu biết chúng, chúng ta phải từ chối chúng, nói rằng chúng ta không muốn thấy, muốn nghe, v.v…, bởi vì chúng quấy nhiễu chúng ta. Nếu chúng ta dứt tuyệt những điều này, thì chúng ta lấy gì để mà quán chiếu?
Đây là tại sao chúng ta cần phải THU THÚC LỤC CĂN. Kiềm thúc là giới. Có giới luật về sự kiềm thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm. Những thứ này là giới luật, và chúng là sự thiền định của chúng ta. Đây là nguyên nhân cho sự phát sinh của pháp Nhưng đa số chúng ta sợ tiếp xúc. Hoặc là chúng ta thích tiếp xúc, nhưng chúng ta không đạt được chút trí huệ nào từ đó cả. Thay vì vậy, chúng ta tiếp tục CHẠY THEO lục căn, HAM THÍCH lục trần và CHÌM ĐẮM trong đó. Lục căn có thể mang đến cho chúng ta sự khoái lạc và mê đắm, nhưng chúng cũng có thể dẫn tới sự hiểu biết và trí huệ.
Cho nên chúng ta nên sử dụng mọi thứ để tu tập. Ngay cả những điều xấu. Khi chúng ta nói về sự tu hành, chúng ta không chỉ đề cập đến những điều thiện lành và tốt đẹp. Không phải vậy. Trong thế giới này, có thứ chúng ta thích, có thứ chúng ta không thích. Thường thì những gì chúng ta thích chúng ta muốn có, ngay cả người xuất gia. Bất cứ vị tăng nào chúng ta không thích, chúng ta không muốn liên hệ với ông, chúng ta chỉ muốn tiếp xúc với những người mình thích. Thấy không? Đây là sự chọn lựa dựa vào sự ưa thích của chúng ta. Thường thì bất cứ những gì chúng ta không thích, chúng ta không muốn thấy hay biết đến chúng. Nhưng Đức Phật muốn chúng ta kinh nghiệm những điều này. Hãy nhìn vào thế gian và nhận biết nó rõ ràng. Nếu chúng ta không biết rõ bản chất của thế gian, chúng ta không đi đến đâu cả. Sống trong thế gian, chúng ta phải hiểu thế gian. Những Thánh Nhân khai ngộ trong quá khứ, bao gồm Đức Phật, đều sống với những thứ này. Họ sống trong thế giới này, giữa những người vô minh, và chứng ngộ chân lý ngay nơi đây, không nơi nào khác. Nhưng họ có trí huệ. Họ đã kiềm lục căn của họ.
Chúng ta làm gì với sự hạnh phúc và khổ đau? Tất cả các pháp sinh khởi bởi do nhân duyên. Khi quả ngừng, đó là vì nhân đã ngừng. Nếu chúng ta không bám víu hay dính mắc vào một điều gì đó, thì cũng như rằng điều đó không hề tồn tại. Nếu có sự HIỆN HỮU thì phải có sự PHÁT SINH. Sự DÍNH MẮC hay ràng buộc là điều kiện tiên quyết để đưa đến sự KHỔ. Mỗi khi sự khổ phát sinh, hãy xem xét nó. Xem xét giây phút hiện tại. Xem xét chính thân và tâm của bạn. Khi hạnh phúc phát sinh: Đâu là nguyên nhân của niềm hạnh phúc đó? Hãy nhìn vào nơi đó. Bất cứ nơi nào những thứ này phát sinh, hãy cảnh giác. Cả HẠNH PHÚC lẫn KHỔ ĐAU phát sinh từ sự DÍNH MẮC.
Những hành giả thuở xưa xem xét tâm của mình như sau: Chỉ có sự sinh khởi và tàn lụi; không có một thực thể thường hằng. Họ suy ngẫm từ mọi khía cạnh và nhận thấy rằng không có gì nhiều với cái tâm này của họ, không có gì kiên định. Chỉ có sinh và diệt, diệt rồi sinh, không có gì có tính cách lâu dài. Trong khi đi hay ngồi, họ nhận biết sự việc như thế đó. Nhìn nơi đâu, họ cũng chỉ thấy khổ đau. Chỉ vậy thôi. Như thể một cục sắt lớn vừa được nung nóng trong lò lửa. Toàn thể cục sắt đều nóng. Nếu bạn chạm nó ở phía trên hay phía dưới, nó cũng đều nóng. Chạm vào bốn phía, phía nào nó cũng nóng. Khắp chỗ đều nóng. Không có một nơi nào trên cục sắt là mát mẻ cả.
Nếu chúng ta không suy ngẫm về những điều này, chúng ta không biết gì về chúng cả. Chúng ta phải nhìn rõ. Đừng chỉ "bị" sinh ra. Phải biết tiến trình của sự sinh. Những tư tưởng như, "Ô, tôi không chịu nổi người đó, hắn làm gì cũng sai "cả", sẽ không còn nảy sinh nữa. Hay, "Tôi rất thích cái đó". Những điều này không nảy sinh. Đó chỉ là những tiêu chuẩn thích và không thích của thế giới. Chúng ta phải sử dụng những quy ước của thế giới để đối tác với nhau, nhưng bên trong chúng ta phải RỖNG KHÔNG. Đây là nơi trú ẩn của những Thánh Nhân. Tất cả chúng ta phải lấy đây làm mục tiêu của sự tu hành. Đừng hoài nghi nữa.
Người tu hành phải thiểu dục tri túc và không dính mắc vào bất cứ thứ gì. Dầu đó là lời nói, miếng ăn, hay bất cứ gì, chúng ta cũng dễ dàng hài lòng: ăn uống giản dị, ngủ giản dị, sống giản dị. Bạn càng tu tập như thế này, bạn càng thấy mãn túc hơn nhiều.
Hãy sống tỉnh giác - nỗ lực tu tập trong mọi tư thế. Nếu không nỗ lực tu hành, tâm sẽ hướng đến một nơi khác. Bạn không kháng cự và cưỡng lại đầu óc của mình, mà cho phép nó trôi nổi theo ngọn gió cảm xúc. Đây gọi là chạy theo cảm xúc của mình.
Tâm phải được huấn luyện . Bạn phải biết mình và biết cách huấn luyện mình. Nếu bạn không huấn luyện tâm của mình, mà đợi một người nào khác huấn luyện nó cho mình, bạn sẽ gặp phiền phức. Sự tu hành không có giới hạn. Đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào bạn cũng có thể tu hành. Bạn có thể chứng ngộ trong lúc dọn quét sân hay khi nhìn một tia nắng chiều. Nhưng bạn phải luôn tỉnh giác. Nếu bạn hành thiền tính tấn, bạn có thể chứng ngộ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào.
Đừng lơ là. Hãy lưu ý, hãy cảnh giác. Khi đi khất thực, nhiều thứ cảm xúc khác nhau có thể phát sinh, và tất cả đều là pháp để tu tập. Khi bạn trở lại tu viện và ăn cơm, có rất nhiều pháp để bạn quán xét. Nếu bạn luôn nỗ lực, tất cả những thứ này sẽ là đối tượng của thiền quán, trí tuệ sẽ nảy sinh, và bạn sẽ chứng ngộ. Nếu chúng ta có chánh niệm, chúng ta sẽ không xem thường sự việc. Chúng ta luôn quán chiếu các pháp.
Một khi đạt đến trình độ này, sự tu hành của chúng ta sẽ không biết có ngày và đêm, nó sẽ tiếp tục không ngừng. Không có gì có thể ô nhiễm sự tu hành của chúng ta, và nếu có, chúng ta sẽ nhận biết ngay lập tức. Tâm sẽ không chạy theo những thứ như: "Tôi nghĩ tôi sẽ đi tới nơi đó, hay có lẽ đi nơi kia… nhưng chỗ nọ có lẽ sẽ vui hơn", đừng tu theo đường lối đó để rồi sự tu hành sẽ tiêu tan.
Hãy luôn tỉnh giác. Không ngừng quán xét. Thấy cây, thấy núi, hay thấy thú vật cũng đều là cơ hội để quán xét. Hãy mang tất cả vào trong. Quán xét chúng rõ ràng trong tâm của bạn. Khi một cảm giác nào đó nảy sinh, hãy nhận biết nó rõ ràng.
Bạn có bao giờ thấy một cái lò gạch chưa? Người ta đốt lửa cách cái lò khoảng một thước. Nếu chúng ta làm lò gạch đúng cách, tất cả hơi nóng sẽ đi vào trong lò, và công việc sẽ hoàn tất nhanh chóng. Cùng thế ấy, tất cả mọi cảm xúc của chúng ta cần được kéo vào bên trong để được chuyển thành Chánh Kiến. Lúc nhìn, lúc nghe, lúc ngửi, lúc nếm - tâm kéo tất cả vào trong. Những cảm xúc này có thể dẫn đến sự phát sinh trí huệ.
Thiền sư Ajahn Chah
Nguồn: Facebook Ajahn Chah