Bố con thảo luận về chánh ngữ

Chánh ngữ

Con: Bố ơi, mình nên nói thế nào hả bố? Nói như thế nào để được mọi người khen ngợi và bản thân mình cũng cảm thấy vui vẻ? Phật có dạy về điều này ko bố?

Bố: Có, Phật có dạy con ạ. Phật nói rằng mình nên nói những lời làm cho mọi người được vui vẻ, những điều thiện lành, khéo léo, như vậy sẽ không bị mọi người chỉ trích và chê trách.

Con: Con biết rồi ạ, nói như thế nào để vừa tốt đẹp cho mình lại vừa tốt đẹp cho người khác, phải không ạ?

Bố: Đúng rồi đấy con ạ.

Con: Nhưng khó lắm bố ơi. Nhiều lúc mình bực lên, hoặc người ta cố tình nói những điều xấu cho mình thì khó mà mình còn muốn tốt đẹp cho họ.

Bố: Ừ, thì thế nên mình càng phải cố gắng con ạ.

Con: Vâng, con biết rồi. Vậy Phật dạy nói như thế nào để vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho người khác hả bố?

Bố: Bố nhớ là Phật có nói có 5 điều này nếu nói ra thì nhận được những sự khen ngợi và là những điều thiện lành.

  1. Nói đúng lúc
  2. Nói sự thật
  3. Nói dịu dàng
  4. Nói những gì có lợi ích
  5. Nói với tâm yêu thương từ ái

Con: À vâng con hiểu rồi ạ. Nói đúng lúc có nghĩa là đúng thời điểm nên nói thì mình mới nói phải không ạ?

Bố: Đúng rồi con, khi người ta muốn nghe thì mình mới nên nói. Hoặc khi người ta đang tập trung vào việc mình nói thì mình hãy nói.

Con: Thế còn nói đúng sự thật là gì hả bố? Có phải là mình biết cái gì mình phải nói hết ra không hả bố?

Bố: Không phải là như vậy. Mình có thể im lặng không nói, nhưng đã nói thì phải nói sự thật, không được bịa đặt, không nói dối trá.

Con: À con hiểu rồi. Thế còn nói lời dịu dàng là thế nào hả bố?

Bố: Nói lời dịu dàng là không nói những lời đâm thọc chia rẽ, không nói những lời tục tĩu bẩn thỉu, không nói những lời chua cay gây nên sự đau khổ.

Con: Vâng con hiểu rồi. Thế còn nói những điều lợi ích là gì ạ?

Bố: Cái này thì tùy theo lứa tuổi con ạ. Với tuổi của con thì lợi ích là khác, với tuổi của bố thì lợi ích là khác. Nhưng tóm lại những gì lợi ích có nghĩa là những điều không gây hại cho người khác và cũng không gây hại cho chính mình.

Con: Vâng con hiểu rồi. Thế còn nói với tâm từ ái nghĩa là gì hả bố?

Bố: Bố hiểu nói với tâm từ ái có nghĩa là nói với tình yêu thương, nói với sự chia sẻ thông cảm với người nghe chứ không phải nói với sự giận giữ, sự tham lam hoặc sự ép buộc người nghe phải theo ý mình. Mình nói để giúp cho mọi người còn họ có hiểu không, có nghe theo lời mình không là tùy ở họ. Bố hiểu là như vậy.

Con: Vâng, vậy thì một lời nói có 5 yếu tố là: đúng lúc, đúng sự thật, nói dịu dàng, nói những gì lợi ích, nói với tâm từ ái sẽ đem lại cho mình và người khác những điều tốt đẹp phải không bố?

Bố: Đúng rồi con ạ

Con: Bố ơi nhưng sao nhiều lúc con rất muốn cãi nhau và bạn con cố tình cãi nhau với con thì con làm thế nào ạ?

Bố: Con nghĩ sao nếu như mỗi người đều nghĩ rằng mình đúng và ép người khác phải theo ý kiến của mình, như vậy thì sẽ có cãi nhau. Việc cãi nhau như vậy không đem lại lợi ích gì cả vì sẽ chỉ làm cho cả hai người đều trở nên bực tức và vẫn giữ nguyên ý kiến của mình.

Ngược lại, một cuộc thảo luận mà mình đặt ra được mục tiêu là cả 2 bên đều học hỏi, tìm thêm được những điều hay điều tốt, thì cuộc thảo luận mới có kết quả. Muốn như vậy thì cả hai bên đều không cố chấp vào ý kiến của mình mà cùng thảo luận, biết lắng nghe người khác thì sẽ giữ được không khí thoải mái dễ chịu, thông cảm lẫn nhau và đều học hỏi được một điều gì đó. Như vậy con thấy thảo luận thì hơn hay cãi nhau thì hơn?

Con: Vâng, tất nhiên là cãi nhau thì không tốt rồi, mà thảo luận sẽ tốt hơn bố ạ.

Bố: Vậy theo con thì như thế nào là một cuộc thảo luận đúng?

Con: Con không biết bố ạ.

Bố: Phật cũng dạy cả điều đó đấy con. Phật nói rằng những người có tâm lý kiêu căng, cố chấp ý kiến của mình, không cao thượng, tìm kẽ hở để tấn công người khác bằng lời nói, thì không nên tham dự vào cuộc thảo luận với những người ấy. Những người như vậy họ sẽ vui mừng trước sự bối rối của người khác. Họ thích thú khi thấy những người khác nói năng kém cỏi hoặc phạm sai lầm, đó là những người không cao thượng, mình không nên là người như vậy và cũng không nên tham gia những cuộc thảo luận với những người như vậy.

Con: Con biết rồi ạ? Vậy thì nên thảo luận với ai hả bố?

Bố: Câu hỏi của con rất hay! Theo Đức Phật, những người mà mình nên nói chuyện, nên thảo luận là những người không có sự đố kỵ, họ sẽ nói những sự hiểu biết đúng đắn của họ. Họ không bắt lỗi người khác, không chụp lấy những sơ hở của người khác, không tìm cách để nói những lời tấn công, chà đạp lên người khác. Những người mà khi thảo luận là để học hỏi thì đó là những người mình nên thảo luận với họ con ạ.

Con: Ồ hay quá bố nhỉ. Thế khi gặp những người không tốt thì mình không nên thảo luận, không nên cãi nhau. Nhưng mà khi gặp những người tốt như vậy thì mình nên thảo luận với họ bất cứ lúc nào phải không ạ?

Bố: Không phải con ạ. Cho dù con có gặp một người nên thảo luận thì cũng phải biết khi nào là đúng thời điểm, khi nào là nên học hỏi thì mới nên gần gũi họ và tìm cách để thảo luận với họ.

Khi bản thân con không có sự ức chế, không buồn phiền, sẵn sàng nghe những lời hiền trí thì lúc đó con nên tìm cách gặp gỡ với những người hiền trí đó và thảo luận với họ để cả hai cùng học hỏi.

Con: Hay quá bố ạ. Bố ơi bố nói lại cho con với, như thế nào là một người mà mình nên thảo luận?

Bố: Ừ bố nhắc lại nhé. Thứ nhất là người không thô lỗ. Thứ 2 là người không có tâm đố kỵ. Thứ 3 là người có hiểu biết. Thứ 4 là người không bắt lỗi người khác. Thứ 5 người đã nói là nói đúng sự thật. Thứ 6 là họ nói những điều cao thượng. Người như vậy là những người nên thảo luận cùng con ạ.

Con: Ồ hay quá bố nhỉ. Gặp được những người như vậy thì chắc chắn là con cũng không muốn cãi nhau với họ mà chỉ muốn thảo luận với họ mà thôi.

Bố: Đúng rồi. Nhưng nếu như con muốn cãi nhau mà không muốn thảo luận thì con cũng sẽ không gặp được những người muốn thảo luận, chỉ gặp những kẻ muốn cãi nhau. Cho nên trước khi gặp được những người muốn thảo luận thì chính con cũng phải tập để không hung hăng, không muốn cãi nhau mà chỉ muốn thảo luận. Con thấy như vậy có đúng không?

Con: Vâng, đúng rồi bố nói đúng quá ạ.

Bố: Phật dạy cho mình nhiều điều hay, điều tốt đúng không con?

Con: Dạ vâng. Đúng thế ạ.

Bố ơi một người hiền trí thì có những đặc điểm như trên. Còn thế nào là một người không tốt, một người kém đạo đức mà mình không nên thảo luận hả bố? Đức Phật có dạy không ạ?

Bố: Có con ạ. Đức Phật cũng dạy không nên nói chuyện, không nên giao tiếp với những người không có đức hạnh, những người kém đạo đức. Đó là những người mà khi nói chuyện về đức hạnh, về đạo đức họ sẽ mất bình tĩnh, họ sẽ khó chịu, hung hăng và bướng bỉnh.

Nguồn: Sư Cô Hương Thiền