Trong kinh kể ngài Xá Lợi Phất là vị A-la-hán, ngài nhìn em trai ngài bị rắn cắn, từ biệt ngài để niết-bàn vĩnh viễn không bao giờ gặp nhau nữa mà lòng ngài vẫn thanh thản nhẹ nhàng. Người không biết đạo sẽ rất ngạc nhiên nghĩ rằng hai anh em không thương nhau. Lý do thứ nhất là vị A-la-hán không thương ai bằng lòng ái luyến. Lý do thứ hai là ngài biết rất rõ mỗi người có cái nghiệp riêng, do duyên mà gặp nhau đời này, chắc gì mai này còn dịp gặp lại nhau.
Mỗi người rõ ràng đến với đời này do hạnh nghiệp thiện ác riêng tư. Kiếp này người nào sanh mình ra mình gọi người đó là mẹ, mình coi người đó là toàn bộ trăng sao vũ trụ nhưng mình quên rằng, năm nay mình 40 tuổi thì cách đây 41 năm về trước mình cũng có một bà mẹ mà cái bà đó bây giờ ở phương nào mình đâu có biết, và mình cũng chẳng màng tới. Cái lòng của mình nghĩ về bà đó rất là nguội lạnh hờ hững. Người biết đạo thì còn có suy nghĩ như vậy, còn người không biết đạo thì đâu có tin kiếp trước kiếp sau, họ dẹp cái bà mẹ kiếp xưa luôn. Như vậy thì khi mình quá thương tâm bởi một mối quan hệ nào đó mình cứ nhớ thế này, do duyên mà gặp nhau nhất thời, như chim buổi chiều tối phải về chung tổ, sáng mai dậy rồi mỗi đứa một phương. Kiếp này cũng vậy, do duyên mà về với nhau chung một mái nhà, tắt thở rồi mỗi đứa đi về cuối trời miên viễn chiêm bao, không biết bao giờ mới có dịp gặp lại. Hãy thử nghĩ, cả thế giới sa bà, chỉ riêng vũ trụ này thôi đã có bao nhiêu là trùn dế sâu bọ chó heo mèo vịt, bao nhiêu là những loài côn trùng lúc chúc, bao nhiêu là loài vi sinh li ti. Do ác nghiệp nào đó, chỉ cần người thân mình chun vô cái rừng Amazon làm con bọ hung hay con tắc kè thì biết bao giờ mới gặp lại nhau nữa. Chỉ vì không biết đạo, không sống trọn vẹn hết mình với đạo, cho nên mình mới khổ tâm, mình coi những gì mình thấy là quan trọng vô cùng, những gì mình thương mình ghét là quan trọng vô cùng, những gì mình biết được ngay trong đời sống hiện tại là quan trọng vô cùng. Mình không biết rằng hành tinh này chỉ là một hạt cát trong vũ trụ, trăm năm chỉ là một nháy mắt so với cái gọi là thiên thu, so cái gọi là thời gian miên viễn trường tại của trời đất vũ trụ. Người tu giải thoát thì không còn bị ràng buộc bởi những ranh giới: thân, sơ, thù, bạn. Trong mọi tình huống, bi được thì bi, từ được thì từ, không được thì xả.
Nên nhớ sẽ có một ngày quí vị hiểu ra được chuyện quan trọng này, tâm từ tâm bi không phải do mình lựa chọn đối tượng đặc biệt, mà trong mọi lúc bốn cái ‘từ, bi, hỷ, xả’ đều có cơ hội để bung ra. Có lúc từ mạnh, có lúc bi mạnh, có lúc hỷ mạnh, có lúc xả mạnh; nhưng đối với người tu thứ thiệt, khi gặp một người nào đó thì một trong bốn cái này sẽ bung ra, bật ra lập tức, đó là tu đúng. Người không biết đạo thì chỉ có người thân với nhau mới có hy vọng được một phần tâm thiện (từ bi hỷ xả) đối với nhau, cứ còn đa phần toàn là tham ái: ái luyến máu mủ, ái luyến dòng họ.
Với người tu thì lại khác, không có lựa chọn thân sơ thù bạn gì hết, họ nhìn chánh niệm không ghét thương, hoặc khi có chút ghét thương trong đó thì chỉ có thương hoặc chỉ có lòng bao dung. Nhắm thương không nổi thì bao dung, “thôi thì cái nghiệp của họ xử họ”. Và điều quan trọng nhất là ai trong room này thấy rằng pháp tu tâm từ khó khăn, tôi không thương nó được sao cứ bắt tôi thương, thì tôi xin nói một lần nữa, tôi là thầy nóng tánh nè, trong trường hợp mình nổi điên lên thì cứ tự nhủ lòng: “Mình sống được bao lâu, tới hồi tắt thở chuyện gì cũng bỏ lại hết.” Chỉ cần nhớ bao nhiêu đó! Nghe không ăn nhập gì hết nhưng rất là hữu hiệu. Giận điên lên, ghét lắm, nhưng chỉ nhớ một câu thôi, “Mình sống được bao lâu???”. Cứ tưởng tượng đêm nay mình nằm ở bệnh viện, người ta rút ống cho mình chết, vậy thì quí vị có còn hơi sức để giận bà A nói cái này xúc phạm tôi, bà B làm cái kia ảnh hưởng quyền lợi của tôi? Nếu mình biết đêm nay mình sẽ bị rút ống để ra đi thì bây giờ mình đâu có còn thần trí cảm hứng để ghét thương hờn giận tị hiềm tính toán, so đo, kèn cựa với ai nữa. Hết rồi, bữa nay ngày cuối rồi, cuộc đời của mình bây giờ tính bằng giờ. Từ đây tới tối tính bằng giờ, thời gian còn lại không bao nhiêu hết. Tu hành bằng tâm trạng của một kẻ tử tù nhiều khi rất là tốt. Tử tù là hết hy vọng trong cuộc sống rồi. Quí vị đừng tưởng tôi xúi quí vị sống bi quan tiêu cực, mà là luôn luôn nhớ cái chết để không bám víu quá nặng tay với bất cứ vấn đề gì dù thương thích ghét sợ.
Người tu tập tâm từ tâm bi tâm hỷ tâm xả thì bản thân an lạc mà cũng không gây phiền gì cho những chúng sanh khác, đồng thời cũng là suối nguồn tươi mát cho người khác khi họ nhìn vào, hay khi họ nghĩ về mình, họ nhìn thấy mình.
Nguồn: New Dhama Readers