Bát chánh đạo là pháp thừa

Này Ananda, Con Đường Tám Chánh nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si.

(Kinh Tương Ưng, V-4)

Định nghĩa về tám chi phần

Này các vị tỳ kheo, thế nào là Chánh Tri Kiến : Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.

Thế nào là Chánh Tư Duy : Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.

Thế nào là Chánh Ngữ : Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.

Thế nào Chánh Nghiệp : Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.

Thế nào là Chánh Mạng : Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.

Thế nào là Chánh Tinh Tấn : Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.

Thế nào là Chánh Niệm : Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời.

Thế nào là Chánh Định : Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

(Kinh Tương Ưng, V-8)

Con đường giải thoát

Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào mà không hàm chứa Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).

Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào có hàm chứa Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).

Nầy Subhada, giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát Chánh Đạo nên giáo pháp đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán). Các hệ giáo pháp khác đều không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát. Nầy Subhada, khi nào các vị sa môn tu tập và truyền giảng Chánh Pháp một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A la hán giải thoát.

(Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, 16:214)

Bát chánh đạo: Con Đường Tám Chánh hay Tám Con Đường Chánh?

Một vài tác giả Phật tử, cư sĩ lẫn tu sĩ, thường suy diễn Bát Chánh Đạo là tám con đường chánh mà Đức Phật đã giảng trong bài pháp đầu tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, cho năm anh em Kiều-trần-như sau khi Ngài giác ngộ, đạt đạo quả Chánh Đẳng Giác. Đây là một sự suy diễn sai lầm rất đáng tiếc. Có lẽ các vị tác giả đó đã quen suy diễn theo lối pháp số: Tứ Diệu Đế là bốn sự thật cao sang, Ngũ Uẩn là năm tập hợp, Lục Căn là sáu căn, Thất Giác Chi là bảy chi phần giác ngộ, thì ắt hẳn Bát Chánh Đạo là tám con đường chánh. Một phần có lẽ là vì chữ Hán, âm sang Hán Việt, không dùng dấu gạch nối để phân biệt rõ ràng "bát-chánh đạo" (đạo bát-chánh, hay con đường tám chánh) với "bát chánh-đạo" (tám chánh-đạo, tám con đường chánh).

Tìm đọc kinh điển, chúng ta sẽ thấy ngay rằng Bát Chánh Đạo là Con Đường Tám Chánh, nghĩa là một con đường có tám phần tử – hay tám yếu tố – chân chánh, có sách dùng chữ "Thánh Đạo Tám Ngành", dịch từ chữ Pāli "ariya atthangika maggo". Đây là con đường duy nhất để đưa đến đạo quả giải thoát (Pháp Cú, 273-274), là con đường cổ xưa mà chư Phật đều đi qua trong các thời kỳ trước (Tương Ưng, 12.65). Vì vậy, để tránh hiểu lầm, có lẽ chúng ta nên dùng từ “BÁT CHI THÁNH ĐẠO” (đường thánh tám chi) để chỉ con đường thánh nầy.

Cũng xin ghi nhận ở đây là trong tiếng Anh, không thấy có sự lầm lẫn đáng tiếc đó. Trong khi Tứ Diệu Đế dịch là "Four Noble Truths" (số nhiều, với "s"), Bát Chánh Đạo được dịch là "NOBLE EIGHTFOLD PATH" (số ít, không có "s").

Nguồn: Facebook Trường Thái / Binh Anson