Bậc thiện trí thức phải là người:
- Phân biệt được lẽ phải, lẽ trái.
- Biết cúng dường, làm phước (bố thí).
- Hiểu rõ nguyên nhân phát sanh điều lợi lạc và nguyên nhân phát sanh điều tai hại.
Hơn nữa, bậc trí thức còn thực hành theo bốn điều lợi ích khác là:
- Siêng năng làm phận sự của mình. Một là siêng năng làm công việc có tiền phụng dưỡng mẹ cha, giúp đỡ vợ con và quyến thuộc; nhưng việc làm ấy không thuộc về tà mạng và tà nghiệp. Hai là siêng năng trau giồi thân, khẩu, ý cho trong sạch.
- Hết lòng gìn giữ của cải đã có, về vật chất cũng như tinh thần. Về vật chất: Đừng dễ duôi để mất và tiêu phí tiền của, gia sản vào những việc như cờ bạc, rượu chè… Về tinh thần: Ráng lo tu trì giới hạnh của mình đã có - vì đây là của cải, tư lương rất quý báu ta có thể đem theo về ngày vị lai…
- Có bạn lành, nghĩa là nên thân cận với các bậc trí thức, bực có giới đức trang nghiêm để học hỏi điều hay lẽ thiệt và cả các pháp giải thoát.
- Nuôi mạng chân chính, nghĩa là làm những nghề nghiệp nuôi mạng mà không phạm với luật đời và luật đạo.
Ngoài bốn điều lợi ích kể trên, người gọi là trí thức còn phải hành theo những pháp sau đây:
- Saddhā: Có đức tin - tin nhân quả và nghiệp.
- Sīla: Trì giới - người trí thức, nếu là tại gia cư sĩ, ít nhất phải có ngũ giới trong sạch, trên nữa là bát quan trai.
- Cāga: Bố thí (dứt bỏ).
- Paññā: Có trí tuệ để nhận định lối tà, nẻo chánh và biết quán chiếu để thấy rõ ba tướng vô thường, khổ não và vô ngã
Nguồn: Đức Hoà