Trong 5 giới (Pañcasīla) dành cho người tại gia, điều học thứ nhất là: "Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh."
Xin lưu ý rằng, điều học này không dạy rằng phải "tránh xa sự ăn thịt cá". Liên quan đến đề tài này, vào thời đức Phật, ông Devadatta vì muốn hạ thấp uy tín của đức Phật và gây chia rẻ trong tăng chúng nên đã đề xuất 5 điều luật đến đức Phật. Với ý nghĩa, nếu đức Phật không chấp thuận rồi ban hành 5 điều luật ấy thì ông sẽ có cớ nói rằng sa-môn Gotama ưa thích lợi dưỡng, không chấp thuận đời sống thiểu dục; và do đó, những ai ưa thích đời sống khổ hạnh sẽ theo về với hội chúng của ta. Những điều luật ấy như sau:
- Tỳ-khưu phải luôn luôn ở trong rừng. (Chống lại việc nhận lãnh tịnh cốc, hay trú xứ do tín đồ phát tâm dâng cúng)
- Tỳ-khưu phải luôn luôn khất thực mà ăn. (Chống lại việc nhận lời dùng bữa tại nhà thí chủ hảo tâm)
- Tỳ-khưu phải luôn luôn mặc y phục, do mình lượm vải dơ, bỏ trong nghĩa địa hay các bãi tha ma, đem về giặt sạch và khâu lấy, tiếng Pāḷi gọi là Pansukūlika-cīvara (y phấn tảo). (Chống lại việc nhận tam y, do tín đồ có thiện tâm dâng hiến)
- Tỳ-khưu phải luôn luôn ngụ dưới bóng cây. (Chống lại việc ngụ trong rừng, hay hang động).
- Tỳ khưu phải luôn luôn cữ ăn cá và thịt. (Chống lại việc đi khất thực, người ta cho cái gì không có sinh mạng, thì ăn cái ấy).
Đức Phật với lòng bi mẫn, nhận thấy 5 đề nghị kể trên sẽ chỉ gây ra sự khắc khổ không cần thiết, đối với tăng chúng, nhất là những đệ tử mới tập tu, chứ 5 điều ấy không lợi ích cho sự tu tập, tiến tới giác ngộ giải thoát, nên Ngài đã từ chối. Thay vào đó, Phật cũng dạy rằng, “Sa-môn nào tình nguyện khổ hạnh, có thể dùng những điều ấy, nhưng luật Tỳ-khưu không bắt buộc”.
Điều học (giới) về tránh xa sự sát sanh có năm chi phần như sau:
- Chúng sanh có thức tánh (pāṇo).
- Biết chúng sanh có thức tánh (pāṇa-saññitā).
- Tính giết (vadhakacittaṃ).
- Ráng sức giết (upakkamo).
- Chúng sanh chết bởi sự ráng sức ấy (tena-maranaṃ).
Nếu có đầy đủ năm chi phần này, thì giới bị đứt. Nếu không đầy đủ năm chi phần thì giới chỉ bị thủng. Nhưng tất nhiên, để giới bị hoen ố, không thanh tịnh cũng là một điều không nên, vì dù chưa phải là nghiệp sát, nhưng ác nghiệp ấy vẫn có thể đủ mạnh để cho quả vào một lúc thích hợp.
Trong năm chi phần của điều học này, chi phần tính giết chính là chủ ý hay ý định (cetanā) là yếu tố căn bản để tác thành mọi loại nghiệp dầu là thiện hay bất thiện. Như đã được thuyết lên như sau:�
Này chư Tỳ-khưu, sau khi đã có chủ ý (cetanā), rồi mới tạo nghiệp bằng thân, bằng khẩu, bằng ý. Do đó Như Lai dạy chủ ý (cetanā) gọi là nghiệp.
Ngoài ra chi phần thứ nhất cũng quan trọng để xem xét. Chúng ta thấy rằng miếng thịt, con cá đông lạnh được bán ở siêu thị hay chợ thì không phải là một chúng sanh có thức tánh.
Trong vấn đề ăn uống, Đức Phật khuyên dạy về TAM TỊNH NHỤC để tránh khỏi ác nghiệp trên Thân, Khẩu, và Ý như sau:
- Không tự mình giết hại các chúng sanh (thân nghiệp)
- Không xúi bảo giết hại các chúng sanh (khẩu nghiệp)
- Không biết (nghi) về việc giết hại các chúng sanh của người khác để làm thức ăn cho mình (ý nghiệp)
Riêng với chư Tỳ-khưu, đức Phật quy định thêm một số loại thịt không được ăn để tránh gặp nguy hại như: thịt sư tử, hổ, beo, gấu, chó sói, chó, voi, ngựa, rắn… và thịt người cũng là loại thịt không được phép thọ dụng. Thêm nữa, chư Tỳ-khưu không được phép nhai tỏi mà không có món chi trộn chung.
Một người với thân, khẩu, và ý trong sạch như trên thì không phạm phải nghiệp sát trong ăn uống, dù là ăn rau củ quả hay ăn thịt cá.
Nếu chúng ta có hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về điều học này, thì dù ăn rau củ quả hay ăn thịt cá, chúng ta vẫn có thể tránh xa sự sát sanh. Còn nếu không, chúng ta sẽ đi vào “giới cấm thủ” - tức là chấp chặc vào các điều học (sự thực hành) sai lầm, tà kiến trong các học giới. Do vậy, đôi khi chúng ta thấy những người ăn chay trường vẫn phạm vào nghiệp sát hàng ngày. Ví dụ như, xịt thuốc diệt côn trùng tại nơi mình sinh sống. Hay như sự việc một người nổi tiếng thường hay khuyến tấn mọi người ăn chay để tránh nghiệp sát sanh; nhưng gần đây lại loan truyền thông tin dùng địa long (giun đất) để trị bịnh COVID-19.
Vậy Phật giáo nguyên thuỷ có ăn chay không?
Vào một hoàn cảnh nhất định, cữ ăn thịt cá nên được áp dụng. Ví như tại các trung tâm thiền lớn ở Myanmar, hầu hết đều chuẩn bị thức ăn chủ yếu là rau củ quả. Lý do là vì các ngài suy xét thấy rằng, với số lượng lớn chư Tăng và thiền sinh tụ hợp lại gần một thị tứ nhỏ, nếu không áp dụng như vậy, người ta sẽ giết mỗ gia súc, gia cầm nhiều hơn để đáp ứng vật thực cho thiền viện.
Tuy vậy, trong truyền thống Theravāda, không có điều học hay sự giảng dạy nào liên quan đến việc ăn chay. Do vậy, ăn chay hay việc cữ ăn các thứ gia vị là những điều luật hay sự giảng dạy của ngoại đạo, không có liên quan chi đến truyền thống Theravāda.
Sự quán tưởng chân chánh khi thọ dụng vật thực
Một người dầu suốt đời trường chay, nhưng khi thọ dụng vật thực không có sự quán tưởng cách đúng đắn, thì sự tai hại có thể phát sinh đến người đó hơn là lợi ích. Ví như người thọ dụng vật thực với ý nghĩ vui đùa (tiệc tùng nhậu nhẹt); hay với ý nghĩ, ta dùng vật thực này đặng cho có thân hình cường tráng, ưa nhìn; hay với ý nghĩ, ta dùng vật thực này đặng cho có làn da căng đẹp, mái tóc đen dài…; hay với ý nghĩ, những vật thực này thật là hợp vị với ta, ước chi ta có được vật thực hợp vị này thêm nữa… những chủ ý (cetanā) như vậy là bất thiện vì chúng đồng sanh với tâm có gốc tham.
Chư Tỳ-khưu trước khi thọ dụng vật thực thường quán tưởng như sau:
Chơn chánh quán tưởng rằng
Ta thọ dụng vật thựcKhông phải để vui đùa
Không ham mê vô độ
Không phải để trang sức
Không tự làm đẹp mìnhMà chỉ để thân này
Được bảo trì mạnh khoẻ
Để tránh sự tổn thương
Để trợ duyên phạm hạnhCảm thọ cũ được trừ
Thọ mới không sinh khởi
Và sẽ không lầm lỗi
Ta sống được an lành.
Điều này không bắt buộc đối với người tại gia cư sĩ, nhưng thật là có lợi ích nếu chúng ta học tập theo như vậy.
Cầu mong cho chư vị trong kiếp sống này không thiếu thốn vật thực và sự thọ dụng của chư vị không có lỗi lầm, nhờ đó sự an lạc sẽ phát sanh lên đối với chư vị.
Nguồn: Puñña Nanda