Vấn: Cứ ngồi lâu mà không chuyển đổi tư thế thì thường nghe một cảm giác nặng nề lắm, như đau nhức tê mỏi hay cái gì đó tương tự. Xin hỏi nếu cứ tiếp tục như vậy thì những cảm giác đó mất đi hay không, trong khoảng thời gian bao lâu?
Đáp: Chuyện này còn tùy ở mỗi người. Kẻ lâu người mau. Điều quan trọng là ta hãy cố giữ Chánh Niệm và kham nhẫn, đừng để ý rồi mong đợi cái này biến mất, cái kia xuất hiện.
Chúng ta phải biết rằng không một cảm giác nào là không vô thường. Sự ghi nhớ này rất quan trọng.
Vấn: Nghĩa là thấy chân tê thì cứ để mặc nó bị tê hay sao ạ?
Đáp: Đúng vậy. Cho đến bao giờ khả năng Chánh Niệm và kham nhẫn của anh còn có thể chịu đựng được thì anh vẫn phải tiếp tục.
Chuyện này có thể khó khăn đấy, thậm chí phải qua một thời gian dài, nhưng anh phải ráng. Vì đó là điều cần thiết. Còn nếu không thể chịu nổi thì anh vẫn phải tiếp tục Chánh Niệm trong lúc thay đổi oai nghi.
Vấn: Xin hỏi trong trường hợp với một người mà khả năng chịu đựng quá kém thì phải làm sao ạ?
Đáp: Ồ, như tôi vùa nói đấy, đó là một chọn lựa bất đắc dĩ. Vì Niệm và Nhẫn của anh quá yếu nên anh phải thua cuộc trước những cảm xúc vớ vẩn của thân xác.
Tôi bày anh một kinh nghiệm:
Để chịu đựng cơn đau, anh nên thở nhanh và ngắn một chút. Nhưng điều cốt lõi mà anh phải nhớ là không một công phu nào mà không cần đến những nổ lực .
Cứ trốn tránh cái khó rồi tìm đường dễ để di thì làm sao anh có thể có một nếp hành trì rốt ráo và một hành giả như vậy cứ phải thường xuyên sống trong sự bất mãn. Vì trong cả hai ý tưởng trốn khổ tìm vui anh khó mà toại nguyện được.
Trốn khổ chắc gì tránh được khổ, tìm vui chắc gì có được vui.
Vấn: Xin hỏi lại lần nữa. Rõ ràng là chỉ với một cái duỗi chân thật đơn giản thì ta đã lập tức được thoải mái để tiếp tục tu tập, nhưng tại sao hầu hết các thiền sư, kể cả ngài, lại khuyên nên ngồi chịu đựng?
Đáp: Cối lõi của Tuệ Quán là nhìn thẳng vào gương mặt thật của Danh Sắc, mà ở đây là những cảm giác khó chịu. Khi ta cứ tìm cách chạy trốn chúng thì làm sao có thể thấy được chúng là gì. Việc thay đổi tư thế đúng là giúp anh giàn xếp được những cảm giác khỏ chịu nhưng cách giàn xếp đó không hay bằng việc ta nhìn thẳng vào chúng và để chúng tự biến mất theo luật vô thường.
Cái này mới đúng là giải thoát, là con đường mà ta chưa từng đi qua để chứng được điều ta chưa từng chứng.
Còn cách giải quyết theo kiểu chạy trốn hay tránh mặt thì quá tầm thường rồi. Anh cũng biết là trốn không được mà vẫn ráng làm là Vô Minh, làm không được thì sẽ dẫn đến bất mãn, đó lại cũng là phiền não.
Như vậy cách tốt nhất vẫn là ráng nhìn thẳng vào chúng và tôi đảm bảo với anh sớm hay muộn gì cũng vô thường.
Vấn: Xin nói rõ hơn về Chánh Niệm, có phải đó là sự suy tư hay truy tầm vấn đề, chẳng hạn như coi những cảm giác kia từ đâu đến?
Đáp: Chắc chắn là không phải vậy. Chánh Niệm chỉ đơn giản là sự nhận biết một cách tỉnh táo cái gì đang xảy ra, ở đây anh không cần đến bất cứ một khái niệm hay suy tư nào hết.
Sunlun Sayadaw (1878-1952)
Trích sách: Kinh Nghiệm Tuệ Quán Qua Các Dòng Thiền Miến Điện Quyển 1, trang 355-357.
Dịch giả: Sư Giác Nguyên
Nguồn : Nguyễn Thị Kim Anh