Trong đất nước Bàrànasì, có một vị Vua trị vì Vương Quốc, Ngài có tên gọi là Dandakì, và tên gọi của kinh thành là Kumbhavatì. Hầu hết tất cả dân chúng ở trong thành Kumbhavatì cùng với Đức Vua Dandakì, họ đều là nhóm người Tà Kiến (Micchàdiṭṭhi). Trong thời gian ấy, một vị Đạo Sĩ danh xưng là Kisavaccha, vị nầy là bậc đã có được chứng đắc Bát Thiền cùng với Thắng Trí, và đã nương trú ở cạnh bên bờ sông Godhàvarì. Lần hồi về sau, vị Đạo Sĩ nầy đã chuyển đến ở trong kinh thành Kumbhavatì, và đã nương trú ở trong vườn ngự uyển của Đức Vua Dandakì. Qua sự hộ độ của một vị Đại Tướng Quân, Ngài Đạo Sĩ nầy hằng luôn được đón nhận sự an vui thoải mái.
Trong kinh thành Kumbhavatì, có một ả kỹ nữ đang ở vị trí là một cung phi của Đức Vua Dandakì. Đến một ngày kia, ả kỹ nữ nầy bị Đức Vua Dandakì nổi giận, và đã cách chức ra khỏi vị trí. Khi cô nàng đã bị tẩn xuất ra khỏi vị trí, bèn rảo bước vào trong khu vườn ngự uyển, và đã lần đi đến trú xứ của Ngài Đạo Sĩ Kisavaccha đang trú ngụ.
Ngay khi vừa được nhìn thấy Đạo Sĩ Kisavaccha, cô ta đã liền khởi sanh sự nghĩ suy sai trật rằng: “Gã Đạo Sĩ nầy là kẻ ty liệt. Nếu là như thế, thì hết tất cả những điều bất hạnh xui rủi mà hiện đang có ở trong toàn thân của Ta đây, nếu như Ta lấy đem đổ lên trên thân xác của kẻ ty liệt nầy, thế rồi sẽ làm cho Ta được đón nhận lại những điều kiết tường.” Khi ả kỹ nữ đã nghĩ suy như vậy xong, thì cầm lấy cây đánh răng để chà răng, rồi lấy nước dơ mà đã đánh xong cùng với cây đánh răng đổ lên trên đầu của Ngài Đạo Sĩ đang tĩnh tọa nơi ấy. Rồi tự bản thân đã quay đi tắm rửa, gội đầu, làm vệ sinh cá nhân, và làm cho bản thân được hoàn toàn sạch sẽ. Khi ả kỹ nữ đã thực hiện xong sự việc nầy, thì không bao lâu sau, Đức Vua Dandakì lại có sự nghĩ tưởng đến và đã truyền lệnh cho đi tìm kiếm cô ta để vào chầu, tiếp theo là phong chức cho cô ta được nhận lại chức vị của thuở ban đầu. Việc nghĩ tưởng của Đức Vua Dandakì ấy, không có liên quan gì với hành động đã tạo tác của ả kỹ nữ nầy chút nào cả, duy nhất chỉ là việc nghĩ tưởng với mãnh lực phiền não, mà đó chỉ là lẽ thường nhiên mà thôi.
Sau đó thì không được bao lâu, Đức Vua Dandakì lại phát sanh lên sự nổi giận đến một người khác nữa, đó là vị Bà La Môn Quân Sư, dẫn đến việc tẩn xuất ra khỏi chức vụ Quân Sư, cũng tương tự với việc cách chức vị trí của ả kỹ nữ đó vậy. Khi vị Bà La Môn Quân Sư đã bị tẫn xuất ra khỏi chức vụ nầy rồi, đã vào tìm đến ả kỹ nữ và đã vấn hỏi đến sự việc mà cô ta đã bị thất sủng khỏi vị trí và đã làm thế nào mới được quay trở vào đón nhận lại chức vị như xưa. Ả kỹ nữ đã kể đến hành động của mình đã làm đến vị Đạo Sĩ mà đang nương trú ở trong vườn ngự uyển cho vị Bà La Môn Quân Sư nghe. Khi vị Bà La Môn Quân Sư đã được rõ biết, liền vội vã đi vào trong vườn ngự uyển, và đã hành động cũng tương tự y như lời chỉ bảo của ả kỹ nữ. Tiếp đến không lâu, Đức Vua Dandakì cũng truyền lệnh cho vị Bà La Môn Quân Sư nầy vào chầu, và đã giao phó trọn vẹn chức vụ mà ông ta đã từng có được làm như xưa.
Tại đây, sự việc mà vị Bà La Môn Quân Sư đã được quay trở vào và được đón nhận lại chức vụ như xưa; trường hợp đó, không phải là phát sanh từ nơi hành động mà ông ta đã tạo tác đến vị Đạo Sĩ ấy. Mà đó chỉ là việc phát sanh từ nơi sự cố gắng của tự bản thân ông ta đã từng tìm kiếm cơ hội để cho mình sẽ được quay vào đón nhận chức vụ ban đầu, và đích thị là việc hiện hành theo bản chất tâm tánh thế tình của Đức Vua Dandakì, đó là chỉ có sự nổi giận lên một chốc lát, và khi nguôi ngoai cơn thịnh nộ thì thường sẽ nghĩ tưởng đến người mà mình đã từng có dùng tới, và đó cũng là lẽ thường nhiên.
Đến một ngày, Đức Vua Dandakì đã đón nhận văn thư tấu trình về biến cố xẩy ra từ ở nơi nông thôn là có khởi sinh việc tạo phản. Khi Đức Vua Dandakì đã rõ biết được tin tức từ nơi văn thư tấu trình ấy, đã triệu tập tất cả triều thần binh lính và các chư hầu lại, để mà sẽ diệt trừ bọn tạo phản. Bởi có vị Bà La Môn Quân Sư, là người cũng đang có hội họp ở tại nơi đó, vị Bà La Môn bèn quỳ xuống, xin được vấn hỏi Đức Vua Dandakì rằng: “Lần nầy, Bệ Hạ sẽ xuất chinh để diệt trừ bọn tạo phản, Đức Ngài có mong ước là sẽ giành lấy sự chiến thắng đối với bọn tạo phản hay là phải bị thua bại ?”
Đức Vua Dandakì đã trả lời rằng: “Trẫm sẽ phải chiến thắng cho bằng được.”
Vị Bà La Môn bèn quỳ tâu lên rằng: “Nếu như Bệ Hạ có sự mong ước là sẽ diệt trừ được bọn tạo phản và cho có được sự chiến thắng một cách mau lẹ, thì ngay lúc nầy, có một kẻ ty liệt đang nương trú ở trong vườn ngự uyển của Đức Ngài. Kính xin Bệ Hạ cùng với tất cả quân binh, trước khi sẽ xuất chinh để chiến đấu trừng trị hết tất cả bọn tạo phản nầy, thì hãy thực hiện việc tẩy uế vật bất tịnh hiện đang có ở trong thân thể, rồi đổ xuống lên trên thân xác của kẻ ty liệt. Rồi sau đó, cùng nhau hết tất cả luôn cả quan quân, quay trở về tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân cho được sạch sẽ tươm tất. Rồi mới hẵng là kéo quân ra đi chinh phạt với bọn tạo phản đó, thì sẽ làm cho Đức Ngài có được sự chiến thắng đối với phía tạo phản một cách dễ dàng.
Quả thật là việc trừng trị đó, bên phía lãnh thổ của Bệ Hạ đối với bên phía bọn tạo phản, sớm hay muộn gì, thì cũng sẽ phải có được sự chiến thắng thôi. Cho dù là như thế, cũng kính xin Đức Ngài và hết tất cả quân binh, hãy tẩy uế vật bất tịnh hiện đang có ở trong thân thể của mình, và đổ xuống lên trên thân xác của kẻ ty liệt nầy trước đi đã, rồi mới hẵng xuất chinh.”
Về phía Đức Vua Dandakì, khi đã được nghe lời tấu trình của vị Bà Là Môn Quân Sư như vậy rồi, liền có sự đồng ý với lời bẩm bạch nầy, mới truyền lệnh cho tất cả quân binh đi đến nơi trú ngụ của vị Đạo Sĩ.
Khi Đức Vua cùng với đoàn quân đã đi đến và tập hợp lại ở tại trú xứ của vị Đạo Sĩ, thì Đức Vua và tất cả quân binh, từng mỗi người đã cầm lấy cây đánh răng để chà răng, và rồi lần lượt từng mỗi người với Đức Vua cùng đoàn quân, đã lấy nước dơ mà đã đánh xong và cây đánh răng đổ lên trên thể xác của Ngài Đạo Sĩ ấy, quả là nhiều vô số, chồng chất lên nhau thành một khối đống lớn, và ngập kín cả thân xác của Ngài Đạo Sĩ kể từ ở trên đầu trở xuống dưới, xong rồi quay trở về và xuất chinh.
Còn vị Đại Tướng Quân, là người hộ độ cho Ngài Đạo Sĩ ấy, sau khi Đức Vua Dandakì đã kéo quân quay đi rồi, thì đã rủ người tùy tùng mà có lòng quý trọng, tôn kính với niềm tịnh tín ở nơi Ngài Đạo Sĩ, đã đi đến giúp đỡ thu dọn và lấy đem đi hết cả những cây đánh răng mà đã đổ ngập lên cả thân xác Ngài Đạo Sĩ, khi đã dọn dẹp xong thì sắp xếp việc mang nước đến để cúng dường Ngài Đạo Sĩ tắm rửa làm vệ sinh cá nhân.
Sau khi Ngài Đạo Sĩ đã tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ tươm tất xong, đã ân cần nói với vị Đại Tướng Quân rằng: “Việc mà Đức Vua Dandakì cùng với tất cả dân chúng đã tạo ra việc xấu ác đến bằng chừng ấy đó đối với Bần Đạo, riêng bản thân Bần Đạo thì không có sự sân hận buồn lòng nào đến Đức Vua Dandakì và dân chúng cả, cho dù chỉ là một chút ít; nhưng ngay bây giờ, tất cả Chư Thiên lại có sự phẫn nộ đối với Đức Vua Dandakì và dân chúng rất nhiều. Tính kể từ ngày hôm nay trở đi cho đến ngày thứ bẩy, thì kinh thành Kumbhavatì mà có ranh giới rộng sáu mươi do tuần nầy đây, sẽ bị tiêu diệt và hoàn toàn sụp đổ tất cả. Do đó, xin Ngài Đại Tướng Quân hãy cùng với tất cả bà con quyến thuộc mau vội tản cư tránh nạn trước đi.”
Về phía Ngài Đại Tướng Quân, khi đã biết được hung tin như vầy ở nơi Ngài Đạo Sĩ, liền có sự kinh sợ vô cùng, mới vội đi cấp báo tin nầy đến Đức Vua Dandakì cho được hay biết, rồi tự bản thân cùng với gia đình và bạn bè thân hữu mà có niềm tin vào sự loan báo của Ngài Đạo Sĩ, ai ai cũng lo rủ nhau chạy tản cư ra khỏi kinh thành Kumbhavatì.
Còn về phần Ngài Đạo Sĩ Kisavaccha ấy; sau khi Ngài Đại Tướng Quân, là người đã hộ độ cho Ngài đã tản cư ra khỏi kinh thành Kumbhavatì xong rồi, thì bậc Giác Hữu Tình (Bồ Tát) có tên gọi là Sarabhanga, là bậc Thầy Giáo Thọ của Ngài đang trú ở tại bên bờ sông Godhàvarì biết được sự kiện nghiêm trọng sẽ phát khởi lên ở trong kinh thành Kumbhavatì và Ngài Đạo Sĩ Kisavaccha là vị đệ tử của Ngài Bồ Tát vẫn còn đang trú ở trong kinh thành Kumbhavatì thì sẽ không thoát khỏi điều nguy hại. Bởi do đó, Ngài Đạo Sĩ (Bồ Tát) Sarabhanga mới liền sai bảo hai vị Đạo Sĩ cho đến đón Ngài Đạo Sĩ Kisavaccha ra khỏi kinh thành Kumbhavatì, bằng cách nhập Định, hiện bầy Thắng Trí rồi bay trên hư không.
Về phía Đức Vua Dandakì, khi Ngài Đại Tướng Quân đến tấu trình cho hay biết điều tai họa sẽ phát sanh lên đến với Đức Vua và tất cả dân chúng ấy, thì Đức Vua lại nghĩ rằng điều ấy là không có thật, do đó, mới không có sự nghi ngờ rằng tai họa nghiêm trọng như vậy sẽ phát sanh lên được, nên tâm trí vẫn cứ thản nhiên.
Tất cả Thiên Chúng có sự phẫn nộ trong hành động của Đức Vua Dandakì và dân chúng đã đua nhau tạo tác việc xấu ác đến Ngài Đạo Sĩ ấy, khi thời gian đã đến, thì cùng nhau đã làm cho mưa rơi xuống khắp cả kinh thành Kumbhavatì có phạm vi rộng tới sáu mươi do tuần. Lần thứ nhất với trận mưa thông thường. Tiếp đến là trận mưa với những hạt cát, rồi đến trận mưa với những bông hoa, rồi đến trận mưa với bạc tiền và vàng ròng, và trận mưa với những vật trang sức điểm tô trang hoàng thân xác của Chư Thiên. Khi dân chúng đã được nhìn thấy vật có giá trị, từ trên hư không rơi xuống như vầy, ai ai cũng có Tâm phấn khởi duyệt ý, vội vã chạy nhanh ra khỏi nhà của mình, để mà nhặt lấy các loại vật có giá trị nầy và cất giữ lấy làm thành tài sản của mình. Khi dân chúng đang bị kích động, chạy ra quanh quẩn lượm nhặt các loại vật có giá trị nầy, thì chính ngay sát na ấy và ở tại nơi đó, đã phát sanh lên những vũ khí và than lửa cháy đỏ, đã rơi xuống và tiếp chạm vào tất cả dân chúng luôn cả Đức Vua Dandakì dẫn đến sự mạng vong khắp hết cả đất nước.
Khi tất cả dân chúng cùng với Đức Vua Dandakì đã bị mạng vong rồi, đã phải bị thụ lãnh thống khổ ở trong Nhiệt Khối Du Tăng Địa Ngục (Ussada Kukkulanaraka), tức là Địa Ngục Tro Nóng, có tro nóng xông vào hết cả cửu khiếu. Còn phía trên đầu thì có than lửa cháy đỏ rơi xuống.
Bất Thiện Nghiệp (Akusalakamma) của dân chúng và Đức Vua Dandakì đã tạo lên đây, đó là loại Bất Thiện Nghiệp rất nghiêm trọng, đáng lẽ sẽ phải bị thụ lãnh thống khổ ở trong Đại Địa Ngục, nhưng lại không phải là như vậy, mà trái lại chỉ có thụ lãnh thống khổ ở trong Nhiệt Khối Du Tăng Địa Ngục.
Như có phần Pàli dẫn chứng đã được trích ở trong Túc Sanh Truyện Sarabhanga như sau:
Kisaṃ hi vacchaṃ avakira Daṇḍakī
Ucchimemūlo sajano saraṭṭho
Kukkula nāme nirayamhi paccati
Tassa phuliṅgāni patanti kāye.
Thuở nọ tan tành cả quốc gia
Vì làm ô nhục Thánh Kisa
Danda đọa xuống Kukku địa
Ngập cả than hừng hóa bụi ra.
Bởi do: “Dan da ki phỉ báng Ki Sa
Ngài chẳng tội tình, chẳng xấu xa.
Như chặt cọ dừa từ gốc rễ
Hoàn toàn hủy diệt thế kia mà.”
Trích Tổng Hợp Nội Dung Vô Tỷ Pháp
Saddhamma Jotika Mahā Thera
Sư Sán Nhiên dịch
Nguồn: New Dharma Readers