Tại sao phải hành Thiền? Thiền có gì quan trọng? Hẳn là bạn cũng muốn tìm hiểu, nếu không bạn đã không đọc những dòng này. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Thiền, không phải là việc chúng ta chỉ làm khi rảnh rỗi, trái lại Thiền tối cần cho cuộc sống hạnh phúc, an lành của chúng ta.
Con người rất lạ là luôn nghĩ về tương lai hay quá khứ. Người trẻ thì nghĩ đến tương lai ở phía trước. Người già thì nhớ về quá khứ đã sống qua. Nhưng để kinh nghiệm cuộc đời, chúng ta cần phải sống trong giờ phút hiện tại. Cuộc sống không có ở quá khứ. Đó chỉ là kỷ niệm, hoài ức. Cuộc sống không xảy ra trong tương lai. Đó chỉ là dự tính. Thời điểm duy nhất chúng ta thực sự sống là hiện tại trước mắt. Và chúng ta phải tập sống như thế. Cuộc đời con người có thể kéo dài trong 60 hay 70 năm, nhưng ta phải học sống ngay trong giờ phút hiện tại. Đời sống sẽ bớt bao phiền toái, nếu như ta chỉ sống trong giờ phút hiện tại.
Nói thì dễ nhưng thực hành, khó lắm thay! Ai đã từng làm thử hẳn đã kinh nghiệm được điều này. Ai chưa từng thử, sẽ tự khám phá ra điều ấy. Một lời khuyên đơn giản, nhưng không phải dễ thực hiện. Và không có phương pháp nào giúp chúng ta sống cho từng giây phút hiện tại hữu hiệu bằng tham thiền.
Tất cả chúng ta đều biết giữ cho thân thể sạch sẽ. Ta tắm rửa mỗi ngày ít nhất một lần hay nhiều hơn. Khi ra đường, ta mặc quần áo sạch sẽ. Tối đến ta lo cho thân ngủ nghĩ. Nếu không, ta không đủ sức đương đầu với những khó khăn trong cuộc đời. Ta cần có một mái nhà để che cho thân khỏi mưa, gió, nóng, lạnh. Thiếu những thứ đó, thân sẽ không chịu đựng nỗi. Ta còn bồi dưỡng cơ thể bằng những thức ăn chọn lọc, bổ dưỡng, lo tập thể dục cho thân được cường tráng, khỏe mạnh. Dầu không tập, chúng ta cũng đi đứng, hoạt động, vì nếu không chân tay ta sẽ teo tóp. Tâm cũng cần được chăm sóc giống như thế.
Đúng ra, ta còn phải chăm sóc cho tâm hơn cả thân nữa, vì tâm là chủ, còn thân chỉ là người đầy tớ. Một người đầy tớ khỏe mạnh, cường tráng, năng nổ nhưng có một ông chủ yếu đuối, thiếu kiên quyết không biết mình phải làm gì, cũng khó có thể làm nên việc. Người chủ phải biết điều khiển, chỉ huy người đầy tớ của mình. Ngay nếu như người đầy tớ không được khỏe mạnh, tháo vát nhưng ông chủ khôn ngoan, giỏi giắn thì 'ngôi nhà' của ta cũng được tự tại.
Tâm và thân này làm nên ‘ngôi nhà’ của chúng ta. Nếu ngôi nhà nội tâm không được yên, thì ngôi nhà bên ngoài của ta cũng khó ổn. Ngôi nhà chúng ta sống, và làm việc tùy thuộc vào sự an khang của ngôi nhà nội tâm. Người chủ, người điều khiển phải sống trong những điều kiện hoàn hảo nhất.
Không có gì trong vũ trụ này có thể so sánh hay thay thế được tâm. Tâm tạo ra mọi thứ. Nhưng tất cả chúng ta đều coi thường tâm mình. Đó cũng là một nghịch lý của cuộc đời. Không ai coi thường thân thể mình, nếu nó bệnh, ta vội vã chạy đi bác sĩ. Nếu nó mệt mỏi, ta vội vã cho nó nghĩ ngơi. Nhưng ta đã làm gì cho tâm? Hình như chỉ có các vị Thiền sư là chú trọng đến tâm của họ.
Muốn tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc tâm. Nếu không tâm ta luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt nhị nguyên (hai chiều): Tốt, xấu; ngày mai hay hôm qua; yêu (tôi thích thứ này), ghét (tôi không ưa thứ kia); có (tôi sở hữu cái này), không (không sỡ hữu thứ kia); cái này của tôi, cái kia của anh. Chỉ khi tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đổi cái nhìn của mình để có thế nhìn thấy được những ‘chiều’ khác của sự vật.
Trích: Vô Ngã Vô Ưu
Thiền Sư: Ayya Khema
Nguồn: MAHASATI