Thiền không phải là để vượt qua cái gì hết

Thiền không phải là để vượt qua cái gì hết, mà là vượt qua sự tự đồng hóa chính mình với các tiến trình tâm thân (nāmarūpa).

Tại sao người ta buồn bực và thất vọng?

Bởi vì họ tự đồng hóa mình với tam thân..

Vì vậy, mỗi khi tâm mình có tham, sân, dục vọng, ngã mạn hay dính mắc…điều quan trọng nhất là hãy nhìn chúng như là một hiện tượng tự

nhiên, chứ không nhìn chúng như một cái gì đó thuộc về cá nhân mình. Đừng cố tìm cách vượt qua chúng

Thất vọng là một cái bẫy của bản ngã.

Có người nào (attā) ở đó mà thất vọng? Thất vọng chỉ là một hiện tượng tự nhiên nữa mà thôi. Thất vọng là bản ngã phình đại.

Nếu tâm không thất vọng, nếu không có sự đồng hóa trong tâm quan sát-nghĩa là quan sát một cách bình thản, với tâm xả, tâm sẽ quan sát được các trạng thái tham, sân…với sự hứng thú, định tĩnh và sáng suốt và thấy rõ như nó đang là – chỉ là một hiện tượng tự nhiên thoáng qua, không có thực và không thuộc về cá nhân ai cả.

Không có sự đồng hóa, chúng sẽ không thể lớn mạnh như vậy được.

Một vị thánh Tu-đà-hoàn (sotāpanna) vẫn còn tham, sân…nhưng không còn tự đồng hóa mình với (thân-tâm) nữa.

Chỉ những bậc thánh A-na-hàm (anāgāmīs) và A-la-hán (arahats) mới hoàn toàn đoạn trừ được tham và sân.

Nhưng chỉ bậc thánh A-la-hán mới thoát khỏi ngã mạn (māna).

Nếu bạn thất vọng vì thấy mình vẫn còn thích nghe nhạc thì tức là bạn đang đòi hỏi ở mình quá nhiều, đang mong đợi quá nhiều.

Song nếu bạn nhìn cái tâm thích đó và quan sát nó một cách bình thản, chỉ khi đó bạn mới thấy được nó như nó đang là.

Thất vọng, buồn bực (mà thực ra đó chính là tâm sân) là người bạn đồng hành gần gũi của tâm tham và ngã mạn.

Bởi vì bạn nghĩ: tôi là một thiền sinh, lẽ ra trong tâm tôi không nên có tham và ngã mạn khởi lên như vậy, và bạn thất vọng về điều đó. Mỗi khi có tâm tham hay sự ham thích khởi lên, hãy nói với nó: hãy ở lại để tao soi xét, nghiên cứu mày. Thực ra nghiên cứu nó rất là hay. Tâm tham là một nghệ sỹ ảo thuật vĩ đại nhất.

Hãy học hiểu và thấy rõ cách chúng tạo nên những cảm giác ưa thích như thế nào. Cái tâm mình bị tâm tham lừa đảo đến mức chúng ta không thể thấy được nó như một nhà ảo thuật, chúng ta chỉ thấy nó là “mình”.

Cái tâm mình rất là lưu manh. Nó luôn luôn muốn thay đổi, muốn có cái gì đó khác biệt. Nó khao khát sự giải trí, khao khát sự kích thích.

Buồn chán là một vấn đề rất lớn. Đó là điều hầu hết mọi người đang làm – chạy theo sự kích thích dưới hình thức này hay hình thức khác.

Nếu không cảnh giác quan sát tâm mình, chúng ta có thể sẽ tự mãn bởi vì mình là người hành thiền, là Phật tử, là người hiểu biết Phật Pháp; là người biết đúng-sai, phải-trái…đó cũng lại là ngã mạn nữa.

Mỗi khi khởi sanh tâm ngã mạn, hãy sẵn lòng quan sát nó, hãy nhìn nó thật kỹ. Đừng cố xua đuổi nó đi. Quan sát thật rõ ràng là điều rất quan trọng. Mọi việc còn lại sẽ tự nó lo cho chính nó. Chỉ khi nào bạn đắc đạo quả A-la- hán thì mới hoàn toàn thoát khỏi ngã mạn cơ mà.

Đừng cố tập hạnh khiêm tốn; đó sẽ chỉ là sự khiêm tốn khiên cưỡng, ép buộc. Chỉ cần chánh niệm quan sát cái tâm ngã mạn đó. Nếu nhìn tâm mình thật rõ, bạn sẽ trở nên khiêm tốn một cách tự nhiên.

Bạn sẽ không cảm thấy mình đang cố tập hạnh khiêm tốn nữa. Bạn trở nên ít kiêu mạn hơn mà không cần phải cố tình làm điều đó.

Không thấu hiểu về hệ quả trực tiếp của các trạng thái tâm thiện và bất thiện, bạn sẽ không thể biết trân trọng Pháp một cách thực sự.

Thiền sư Sayadaw U Jotika

Nguồn: MAHASATI