Tâm tham
Trong các phiền não, tham (ham muốn) có lẽ là thứ dễ thấy hơn cả. Tuy vậy, không phải lúc nào ta cũng nhận ra nó. Tham luôn ở đó, chế ngự tâm chúng ta ngày này qua ngày khác, liên tục thôi thúc các giác quan và tạo cảm giác bức bối do luôn muốn có được kinh nghiệm tốt hơn những gì hiện có. Bản chất của tham là dính mắc, giống như keo, bám chặt vào mọi chỗ. Không phải lúc nào ta cũng thấy được ham muốn. Khi ta không nhận ra mong muốn được trải nghiệm tốt hơn thì đó là si đang có mặt. Vậy làm sao chúng ta phát hiện ra điều này và nhận ra các ham muốn đang hiện diện? Những suy nghĩ có thể được nhận diện trong cảm xúc: tâm có thể đưa ra nhiều lý do hợp lý cho một hành động mà nhìn qua trông rất sáng suốt.
Tuy nhiên, động cơ phía sau có thể chỉ là những lời biện minh nấp sau vỏ bọc trí tuệ để thuyết phục chúng ta không đối diện với sự thật. Có một cách để xác định ham muốn là thiện hay bất thiện, đó là từ các cảm xúc liên quan. Nếu là thiện, cảm xúc sẽ rất tốt, thoải mái, đúng đắn và thư giãn. Nếu là bất thiện, cảm xúc sẽ ngược lại và ảnh hưởng đến hạnh phúc của chúng ta, sẽ có sự căng thẳng. Do đó, chúng ta không chỉ nghiên cứu phản ứng của tâm trước các kích thích giác quan mà còn dựa trên phản hồi của cả thân lẫn tâm về các trải nghiệm hiện tại thông qua cảm xúc. Bạn có thể gọi đó là thực hành toàn diện.
Khi bạn thực hành và nhận ra tâm đang muốn đi đâu đó hoặc tâm nghĩ có chuyện gì đó chưa tốt hoặc nó nghĩ lẽ ra nên khác đi, thì hãy nhận ra đó chính là phiền não. Hãy xem đây có phải là thái độ chủ đạo trong thực hành lúc đó không. Tôi còn nhớ trong một lần trình pháp với thầy vào những năm đầu mới hành thiền và tôi đã bị những phiền não làm cho chán nản. Thầy nói “Con thấy được phiền não, vậy là đủ.” Khi trình pháp xong, tôi cảm thấy rất hài lòng vì tôi đã nỗ lực vừa đủ để thấy được chuyện gì đang xảy ra trong tâm mình. Bài học này ghi dấu ấn đậm nét trong tôi. Nếu tôi có thể quan sát thấy nó thì chính việc quan sát này là tốt rồi.
Khi tâm muốn thứ gì đó mà không được, nó bắt đầu cố gắng nhiều hơn. Nó sẽ dùng nhiều năng lượng hơn bởi vì nó muốn thay đổi; sau đó nó trở nên bực bội và thậm chí sẽ dùng nhiều năng lượng hơn nữa. Nếu chúng ta không biết việc này thì chính là tâm si đang hiện diện, tâm cố gắng nhiều hơn nhưng không biết ranh giới thế nào là quá nhiều hoặc quá ít nỗ lực và trở nên kiệt sức. Vì vậy, nếu chúng ta thực hành với tâm tham, chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi; trí tuệ không thể nào sinh sôi được. Lúc mới thực hành, tôi là một người nghiện tập định. Tôi thích nó đến mức có lúc tôi thậm chí không muốn ngủ, tôi tiếp tục thiền để lúc nào cũng cảm nhận được trạng thái an lạc của định. Tôi đi, rồi ngồi, rồi nằm, rồi lại ngồi. Tôi không muốn ngủ, chỉ muốn tiếp tục thiền. Có một lần, tôi đã hành thiền nhiều đêm và trong lúc nằm xuống, một con rệp cắn tôi. Tôi nghĩ “Cái… gì vậy?” Ngay lập tức, định biến mất. Tôi rất khó chịu, nhưng lại nghĩ “Ồ, mình sẽ tiếp tục, định sẽ sớm quay lại.”
Vì vậy tôi tiếp tục, rồi cứ tiếp tục hành thiền mà chẳng thấy gì. Tôi chán nản và tức giận. Trước đó lập định không quá khó bởi vì tôi đã có nó ngay trước khi con rệp cắn. Nó không thể biến mất nhanh như vậy được. Tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nhưng trời đã mau đến sáng và tôi kiệt sức. Qua ngày kế tiếp, tôi vẫn không có định. Tất cả những gì tôi đạt được là sự tuyệt vọng. Vào ngày thứ ba, tôi bị đau nửa đầu, thậm chí phải dán salonpas vào hai thái dương để làm dịu cơn đau, nhưng vô dụng. Cuối cùng, tôi bỏ cuộc, quay trở lại theo dõi hơi thở, dừng việc cố gắng lấy lại định. Đột nhiên định trở lại và trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra thủ phạm đã ngăn cản tôi vào định: Tham! Ngay khi tôi giảm nhẹ sự cố gắng, tham biến mất và định quay trở lại.
Khi chúng ta cố gắng quá mức, nó tạo nên căng thẳng trong tâm. Thái độ của chúng ta không đúng, chúng ta muốn đạt kết quả khi thực hành. Đó chính là tham! Làm sao để không dính mắc vào thứ mà bạn làm việc rất vất vả vì nó (ví dụ như tiền)? Câu hỏi này áp dụng cho tất cả những thăng trầm của cuộc đời: được và mất, khen và chê, hạnh phúc và đau khổ, danh tiếng và tai tiếng, v.v… Với tiền bạc, thực ra bạn đâu có để dành tiền. Tâm, nhân và quả đã làm tất cả việc đó. Có những duyên nhất định xuất hiện cùng nhau: bạn làm việc chăm chỉ và bạn kiếm được tiền, bạn may mắn khi không ai trộm số tiền đó và bạn xoay sở để giữ được nó. Được rồi, bạn đã nỗ lực, nhưng thực chất là tâm làm chuyện đó. Nếu các điều kiện không hội tụ thì tiền không thể ở đây được. Khi chúng ta tâm niệm rằng tiền là của tôi, chúng ta bị dính mắc vào nó rất mạnh. Nếu chúng ta thấy rõ được những điều kiện góp phần vào việc tích lũy tiền thì sẽ có ít sự dính mắc bởi vì chúng ta thấy nó là một quá trình. Người làm kinh doanh thường đề cập đến “dòng tiền”, dòng tiền vào, dòng tiền ra, cả một quá trình của rất nhiều nhân và duyên tham gia vào. Không hại gì khi cẩn thận với tài sản và chi tiêu một cách sáng suốt, nhưng tham và dính mắc vào tài sản sẽ luôn gây ra đau khổ theo cách này hay cách khác.
Khi thực hành vipassanā, chúng ta dễ dính mắc vào ham muốn phát triển các trạng thái tâm an lạc. Ví dụ, khi chúng ta đọc một cuốn sách về Phật Pháp mô tả các trạng thái đạt được trong thiền (thậm chí là chứng ngộ), những trạng thái rất bình an, hạnh phúc nghe thật thú vị. Đây là các trạng thái chúng ta chưa bao giờ trải qua, nên chúng ta bắt đầu mong muốn được như thế. Đây là loại ham muốn thiện hay bất thiện? Khi đọc sách về các trạng thái này, chúng ta cho rằng chúng là tốt đẹp, nên ham muốn sinh ra. Có một mức độ tham lam trong mong muốn này bởi vì bạn chưa hiểu thực sự các trạng thái đó như thế nào. Vì vậy, đó là một khao khát, thứ mà chúng ta cho rằng là rất đáng khao khát. Đó là tham bởi vì không có cái hiểu thực sự rằng nó có đáng khao khát hay không – nó không dựa vào một thực tế. Bạn có thể nhìn vào một ly nước chanh và không biết nó chua hay ngọt bởi vì bạn chưa nếm thử. Khi thực hành và thỉnh thoảng đạt đến trạng thái tâm không có phiền não, bạn hiểu được lợi ích của trạng thái này, sau đó tâm muốn duy trì và nỗ lực quay lại trạng thái này thường xuyên hơn. Đấy chính là mong muốn thiện (chanda), dựa trên trí tuệ thay vì chỉ dựa vào tham. Tâm tham là một ham muốn bất thiện, là một phiền não.[1]
Lòng tham và trí tuệ
Thiền sinh: Thưa thầy, có thể thích cái gì đó mà vẫn không có tâm tham trong đó được không?
Thiền sư: Có thể nói thế này: trí tuệ cũng mong muốn. Nhưng trí tuệ có động cơ khác; nó hiểu được lợi ích thực sự của điều gì đó, và do đó nó đi tới điều đó. Nó rất khác với lòng tham.
Thiền sinh: Con nghĩ đến những thú ham thích tự nhiên, như là đi dạo trong rừng và nghe tiếng chim gõ kiến.
Thiền sư: Đó là tâm tham! Tôi sẽ cho bạn một ví dụ khác. Có người khi nghe kể về Niết Bàn, cố gắng thực hành thật tích cực bởi vì họ muốn đạt được nó. Đó cũng là tâm tham; họ chẳng có chút khái niệm về Niết Bàn thực sự là gì cả. Điều đó cũng y như việc cố bươn chải kiếm cho thật nhiều tiền, nghĩ rằng một khi đã có tiền thì tất cả mọi mơ ước của mình sẽ biến thành hiện thực.
Khi trí tuệ đã hiểu được điều gì đó, không có sự nôn nóng, không có sự thúc đẩy phải đến được nơi đó ngay lập tức. Nó hiểu được cái gì là những nhân duyên cần phải có để đạt đến mục đích và sẽ làm việc một cách đều đặn vững vàng để hoàn thành chúng. Trí tuệ luôn luôn nhìn thấy cả hai mặt của vấn đề, mặt tốt và mặt xấu; nó nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau. Khi trí tuệ nhìn thấy cái gì màu đen, nó cũng hiểu rằng: cái đó không trắng. Khi nhìn thấy đau khổ, nó cũng hiểu rằng điều ngược lại với đau khổ là có thể đạt được, và đó chính là điều mà nó sẽ phấn đấu để đạt đến.
Khi trí tuệ có mặt thì sẽ không bao giờ có thất vọng, bực bội hay buồn nản chỉ vì mục đích chưa đạt tới. Bởi vì có sự hiểu biết thực sự nên nó biết rằng cứ tiếp tục tiến bước trên con đường ấy, nhất định sẽ tới được nơi ấy. Lòng tham luôn luôn có sự thất vọng khi còn chưa đạt tới đích của nó.
Thiền sinh: Khi ngồi thiền con hay biết được nhiều đề mục khác nhau, nhưng thường thấy có tâm tham nổi lên liên quan đến một đề mục nào đó. Làm thế nào để buông bỏ được phiền não để có thể thực sự hành thiền được ạ?
Thiền sư: Đừng cố buông bỏ cái tâm tham đó! Nhận biết rằng mình đang có tâm tham, thế là đủ. Bạn chỉ hay biết những gì đang diễn ra, chứ đừng dính líu đến nó.
Khi bạn thấy có tâm tham và chánh niệm về nó, nó giữ nguyên hay mạnh lên?
Thiền sinh: Nếu lúc đầu nó mạnh thì về sau nó lại mạnh lên nữa. Con thường bị nó lôi đi mất.
Thiền sư: Nếu tâm tham sanh khởi vì một đề mục nào đó, bạn cần phải dừng lại không quan sát đề mục ấy nữa. Nó không phải là một đề mục của Pháp nữa mà đã trở thành một đề mục của tâm tham mất rồi. Đề mục để bạn theo dõi lúc đó chính là tâm tham ấy. Theo dõi cả cảm xúc đi cùng với tâm tham ấy nữa.
Bạn theo dõi tâm tham như thế nào? Từ góc nhìn nào?
Thiền sinh: Con nghĩ là con nên cố gắng không tự đồng hoá mình với nó.
Thiền sư: Đúng. Luôn tự nhắc mình rằng tham là một hiện tượng tự nhiên. Nó không phải là tâm tham của bạn. Chính điều này sẽ tạo ra một chút khoảng cách với nó và cho phép bạn quan sát nó một cách khách quan hơn. Bạn cũng nên quan sát cường độ của tâm tham nữa - xem nó tăng lên hay giảm đi? Nếu bạn quan sát được điều đó, hãy tự hỏi mình xem tại sao nó tăng lên hay giảm đi nhé.[2]
Sayadaw U Tejaniya
[1] Khi Chánh niệm trở nên tự nhiên
[2] Chỉ Chánh niệm thì không đủ