Phiền não sống trong vương quốc của tâm si và tâm si sẽ làm mọi thứ để đưa tham và sân đến với chúng ta. Si là một nghệ sỹ hóa trang; nó sẽ phẩy ít màu mè, tô điểm tí chút và xịt chút hương thơm để dẫn dụ chúng ta. Tham và sân có thể ngụy trang với những lý lẽ thuyết phục chúng ta ngay lập tức; đây chính là si. Bạn đã bao giờ mua phải một chiếc xe hơi tuyệt đẹp, trông mới cóng và bóng bẩy, nhưng sau đó bạn phát hiện ra nhiều dấu tích rỉ sét và móp đã được người ta đắp và sơn lên, dẫn đến nhiều trục trặc sau này? Đây là cách mà phiền não vận hành: Tham và sân ẩn nấp bên dưới mặt nạ của si - vô minh và lờ đi những gì chắc chắn sẽ làm ta đau khổ sau này. Trí tuệ chưa đủ sức mạnh để chế ngự các phiền não. Nếu tham xuất hiện, hãy nhận biết “đây là tham” mỗi lần nó xuất hiện. Công việc của bạn không phải là ngăn ngừa tâm tham, mà là nhận biết tâm tham và biết nó thật rõ.
Tâm si, hay vô minh, có thể được diễn tả là “không biết” – không hiểu được bản chất của thực tại. Tất cả mọi người, từ hành giả sơ cơ đến các bậc tu hành lâu năm, cho đến trước khi nhận ra được thực tại tối hậu của Niết Bàn, đều phải chịu khổ vì cái tâm vô minh ở các mức độ khác nhau.
Nói một cách đơn giản, ngay cả Đức Phật cũng bị phiền não quấy rầy khi Ngài ngồi dưới cội bồ đề. Tất nhiên là như chúng ta đều biết, Ngài đã vượt qua và thẳng tiến tới Niết Bàn. Sau đó, Ngài đã niệm câu “Cánh cửa dẫn đến sự bất tử đã mở.” Sự u mê không còn ngăn cản được Đức Phật nhận ra thực tại tối hậu. Niết Bàn không còn trừu tượng mà đã rõ ràng; thế giới ảo tưởng của vô minh đã bị xua tan …
…Tâm si là thứ phiền não thường hay nói với chúng ta “nó rất đẹp”, “nó rất đáng sợ” hoặc “nó rất đáng ghét”. Khi chúng ta tức giận và trách cứ người khác vì sự giận dữ của mình, chúng ta thường phô bày sự phẫn nộ chính đáng “Tôi đúng, bạn sai rồi.” Tất cả các phiền não đều tham dự vào đây: tham và sân được che phủ bởi si. Tâm si làm hai việc: thứ nhất, nó che giấu bản chất thật và sau đó nó đưa đến một ảo tưởng mà chúng ta cứ nghĩ đó là sự thật. Đó chính là tâm si, không chỉ không cho chúng ta biết đến sự thật mà còn lừa chúng ta bằng một thứ khác thay thế. Con người có thể sống cả đời như vậy. Bạn có thể cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội thực hành chánh pháp, tìm ra bản chất cái gì là thật, cái gì là giả.
Thuốc trị tâm si chính là trí tuệ. Tâm si có thể được nhận ra rất rõ khi bạn có thể nhận ra trí tuệ bởi vì hai yếu tố này hoàn toàn đối nghịch. Mỗi khi có chánh niệm, bạn có thể thoáng thấy sự thật, nhưng nếu trí tuệ chưa được phát triển, tâm si sẽ quay lại giống như một đám sương mù phủ đầy mặt đất, che đậy sự thật. Đây là lý do tại sao chánh niệm liên tục lại quan trọng đến vậy. Khi bạn có chánh niệm, trí tuệ sẵn có được phép hiển lộ, buộc đám mây mù tan ra và tạo điều kiện để nhiều trí tuệ phát triển hơn nữa. Tâm si khác với các phiền não khác ở chỗ ta không thấy nó được. Làm sao một cái tâm mê mờ thấy được tâm si? Ta chỉ có thể thấy hay hiểu được si khi tuệ giác sinh khởi. Và để tuệ giác sinh khởi, trí tuệ phải hiểu được những đặc tính tự nhiên của đối tượng. Tâm si che đậy các đặc tính tự nhiên này, nhưng không che được đối tượng quan sát. Tưởng nhận ra đối tượng, còn si làm méo mó tưởng. Tâm quên mất chính mình: nó vốn đã bình yên và tâm si che mờ sự thật.
Khi tuệ minh sát sinh khởi, đó là giây phút của sự giải phóng, không còn ngăn cách với thực tại nữa mà chính là thực tại. Trong khoảnh khắc được tự do khỏi tâm si đó, bạn bắt đầu biết những thứ mà trước đây chưa hề biết, chúng ta được tự do khỏi vô minh.
Một hành giả đã trình pháp gần đây, anh ta thuật lại cách mà từ lúc tỉnh dậy sáng hôm đó và nhấc đầu khỏi gối, anh ta nhận ra tâm mình đã đưa ra phán xét thế nào. Trong cả ngày hôm ấy, tâm anh ta tràn ngập phán xét. “Ồ, cô ấy thật đẹp.” “Anh kia không thực hành nghiêm túc.” “Tôi không thích món này.” – và còn nhiều nhiều nữa. Ẩn sau tất cả những phán xét đó, vị hành giả này có thể thấy một lớp dày u ám của sự phán xét bản thân, làm cho anh ấy không hài lòng và tổn thương.
Bằng việc duy trì quan sát tâm liên tục trong suốt khóa tu, anh ấy đã xây dựng được đủ sự hiểu biết để tuệ giác sinh khởi và đẩy lùi tâm si. Điều này làm cho anh ấy thấy được những bình phẩm, phán xét trong tâm. Bức màn được vén lên và những phiền não bị lộ diện hoàn toàn, không trốn vào đâu được. Đà thực hành đã xoay về phía trí tuệ. Anh ta thấy rằng khi bản thân đưa ra các giả định thì chính là tâm đang phán xét một khái niệm. Khi chúng ta có ý kiến về chuyện gì, “ý kiến của tôi” thường là ý kiến sai.
Trong những năm đầu thực hành, tôi thường dùng câu nói sau để giúp mình đối phó với si: Khi chúng ta chánh niệm thấy một cái tâm trong sáng, nó sẽ trong sáng. Nếu chúng ta tiếp tục chánh niệm thấy tâm mình trong sáng, nó thậm chí sẽ càng trong sáng hơn. Khi bạn không biết tâm trong sáng, nó bắt đầu mờ mịt và sự căng thẳng xuất hiện. Nếu vẫn không thấy cái tâm trong sáng, sự khó chịu bắt đầu tăng lên. Khi bạn nhận ra sự khó chịu, nó bắt đầu trong sáng trở lại. Vì vậy, cho dù tâm đang thế nào, trong sáng hay căng thẳng, bạn luôn phải nhận biết nó.
Khi chúng ta có chánh kiến, chúng ta có thể nhận ra rất nhanh cái gì là thiện, hoặc cái gì bất thiện. Nó trở nên rõ ràng nhanh chóng chỉ bằng cách chánh niệm. Đây là một lợi thế rất lớn bởi vì nếu bạn không có chánh niệm và không nhận ra những tâm bất thiện bé xíu đang dần ngấm vào thì sau đó chúng có thể làm xói mòn tâm thiện bởi vì chúng đã ở đó dù bạn có thấy hay không.
Một hành giả đã mô tả chúng là “hạt giống phiền não.” Thỉnh thoảng, tâm thiện của một người nào đó có thể rất mạnh mẽ. Anh hay cô ấy có thể tạo nên một trạng thái rất thánh thiện trong tâm và mức độ phiền não có thể rất thấp. Tôi đặt mức độ phiền não trên thang đo từ 0 đến 10. Với hầu hết chúng ta, khi mức độ phiền não ở mức 2, cảm giác giống như không có phiền não gì nữa, và hành giả kết luận mình đã sạch trơn phiền não.
Sai! Ở mức độ vi tế dưới 2, chỉ có trí tuệ mới nhận ra phiền não; chúng ta cần có thông tin đúng để trí tuệ xử lý ở mức độ này. Có nhiều hành giả đến gặp tôi cười hạnh phúc và nói: “Sayadaw, con không còn phiền não trong tâm nữa.” Tôi mỉm cười thầm kín, biết rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nhận ra những phiền não vi tế này. Nhưng đối với những hành giả đạt đến mức độ này, chỉ cần họ tiếp tục thực hành, rốt cuộc họ sẽ thu được trí tuệ ở mức độ sâu hơn, xuyên thủng qua tâm si đang che những phiền não rất vi tế. Tâm chúng ta giống như một hiện trường vụ án, bị chiếm đóng bởi các phiền não.
Và “cảnh sát pháp” được gửi tới để dọn dẹp khu vực. Các phiền não trở nên khôn ngoan bởi vì cảnh sát chỉ đứng bên ngoài. Cảnh sát rất nhạy bén và biết rằng nếu bắt được nhiều trộm, họ sẽ được thăng chức. Những phiền não đúng ra chỉ là khách mời, nhưng chúng đã lợi dụng sự hiếu khách của chúng ta và tiếp quản hiện trường; chúng đang trộm đồ của chúng ta và xử sự cứ như là thị trưởng thành phố.
Chánh niệm giống như một viên cảnh sát mới vào nghề, chỉ cần mẫn làm việc ở xa thu thập bằng chứng tại hiện trường. Chúng ta cần thực hành liên tục để hỗ trợ viên cảnh sát mới, để anh ta được thăng chức; chúng ta liên tục cổ vũ anh ấy. Quyết định là của bản thân chúng ta: dọn dẹp toàn bộ khu vực, hay tiếp tục phớt lờ nó. Tâm si không thấy được bản chất thật những gì diễn ra quanh ta: Nó chỉ thấy những thứ mà ta tưởng rằng sẽ khiến mình hạnh phúc và bằng lòng nhưng cuối cùng lại đem đến bất hạnh cho ta.
Sayadaw U Tejaniya
Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên