Tâm sân (Dosa)

Tham và sân nếu nhìn trên một trục ngang thì có thể thấy chúng ở hai đầu đối nghịch. Khi bắt đầu thực hành, đây là cách hành giả sẽ thấy các phiền não này. Chúng ta thường tránh né các kinh nghiệm hiện tại hoặc muốn có các kinh nghiệm mới mẻ, hoặc bên này hoặc bên kia, và bởi vì chúng ta dính mắc vào bên này hay bên kia nên chúng ta thấy chúng tách biệt. Có thể so sánh chúng với thủy triều lên và thủy triều xuống, tách biệt nhưng lại có liên quan; cái này là hình bóng của cái kia. Khi việc thực hành tiến triển, chúng ta thấy hai phiền não này nhập dần vào nhau cho đến khi cái này chồng lên cái kia. Ví dụ, nếu chúng ta muốn một kinh nghiệm mới (tham) thì cũng có nghĩa là chúng ta không hài lòng với những gì đang diễn ra hiện tại (sân). Cả hai phiền não đều hiện diện cùng lúc tại một thời điểm. Bằng việc tiếp tục thực hành chánh niệm, chúng ta có thể quan sát chúng mà không dính mắc, điều này cho phép chúng ta thấy chúng như một đề mục.

Khi chánh niệm trở nên tự nhiên - Thiền sư U. Tejaniya

Chúng ta đang ở điểm tựa, điểm cân bằng, đây là con đường trung đạo. Nếu không có chánh niệm, tâm chúng ta vẫn có thể bị kéo quay trở lại với các cực đoan của tham và sân. Với tâm tham, chúng ta không phải lúc nào cũng quan sát thấy hậu quả của nó. Tuy nhiên, với tâm sân, khi chúng ta bị dính mắc vào nó, khổ hiện diện ngay trước mặt. Tất nhiên là, với cả hai phiền não này, có nhiều mức độ vi tế mà chúng ta sẽ không thấy cho đến khi có được một số hiểu biết về nhân và duyên của chúng. Muốn quan sát chúng theo cách này thì có thể đòi hỏi chúng ta phải thực hành một cách nhẫn nại trong thời gian dài. Sân có thể là một động lực hữu dụng

khi hành thiền, không ai muốn chịu khổ cả. Tôi có một câu nói mà nhiều bạn từng nghe: “Hãy thực hành như một người bệnh.” Tâm của một người bệnh không muốn làm gì cả; nó chỉ muốn yên lặng và quan sát. Khi bệnh, chúng ta có ít sự cố gắng hơn và rất nhạy cảm với các cảm xúc, cảm giác của mình. Biết được các cảm giác và cách mình đang phản ứng với hoàn cảnh là rất quan trọng. Khi bạn khổ, dưới bất kì dạng nào, sẽ rất tốt nếu ta có thể hiện diện được cùng với nó và quan sát các phản ứng trong tâm. Hãy đối mặt với cảm xúc của mình. Bạn sẽ nhận ra rằng cảm xúc luôn thay đổi, chứ không bất biến. Do đó, trong bất kỳ khoảnh khắc nào, sẽ luôn tiềm tàng khả năng trở nên hạnh phúc, mặc dù chuyện này nghe có vẻ như thật phi lý vào lúc đó. Nếu chúng ta hiểu được tâm, chúng ta sẽ hiểu được cả thế giới. Nếu thái độ trong tâm thay đổi thì cả thế giới sẽ thay đổi.

Khi tôi bị chuyển vào nhóm học sinh yếu kém vào năm lớp 8, tôi cảm thấy rất bối rối. Xung quanh tôi là những người bạn cá biệt tối ngày chỉ thích vui chơi và gây sự. Còn bản thân tôi, người đã bắt đầu cố gắng trên con đường học tập trước đó, giờ phải lựa chọn giữa chơi và học. Tôi đã chọn cả hai. Trước ngưỡng cửa lớp chín, tôi đã học rất chăm chỉ nhưng cũng rất giỏi làm chuyện xấu. Lúc này, tâm tôi khá sáng sủa, sẵn sàng để học, nhưng vì rơi vào lớp đặc biệt ấy, chẳng ai dạy tôi cả. Tất cả những gì tôi học được là từ các bạn trong lớp: trở nên hư hỏng và dùng chất gây nghiện. Điểm số của tôi vẫn tốt, nhưng việc rơi vào cái vòng xoáy hư hỏng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi mà còn cả gia đình. Cha tôi ngày càng chán nản và giận dữ với cách hành xử của tôi. Các anh em tôi, vốn không muốn hiểu tôi, thì ngày càng xa lánh. Người duy nhất tạo được ảnh hưởng bền bỉ lên tôi chính là Sayadawgyi, tuy nhiên tôi chỉ được gặp thầy mỗi khi cha gửi tôi lên thiền viện hoặc khi chúng tôi đi thăm thầy vào dịp cuối tuần. Vui chơi là lối thoát duy nhất khỏi sự hỗn loạn đang điều khiển tâm trí tôi trong suốt những năm học cuối cấp đó. Tôi đã rất bối rối và cũng trải qua nhiều bất mãn khi có những chuyện không đúng như ý mình muốn. Sau khi trải qua thời gian đầu ở trường với nhiều rắc rối và tủi hổ mà tôi gây ra cho gia đình, cuối cùng tôi đã có điểm số đủ tốt để vào trường cao đẳng, chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Vào lúc này, tôi dùng comethazine khá thường xuyên, cũng giống như nhiều bạn của tôi. Ưu tiên cao nhất trong đầu tôi lúc này là vui chơi và vui chơi nhiều hơn nữa. Đây là giai đoạn tôi giao du rất rộng. Tôi ở tâm điểm của sự chú ý và có rất nhiều bạn. Thực tế là, tôi ham vui tới nỗi đã quyết định không lên học năm thứ 2 bằng cách thi trượt và học lại năm 1. Bằng cách này, tôi được giao du nhiều như trước. Thuốc comethazine bắt đầu ảnh hưởng lên sự ổn định tâm trí của tôi. Khi cha thấy tôi ốm đi, ông biết tôi đã dùng chất gây nghiện. Ông nội tôi cũng dùng chất gây nghiện (thuốc phiện) khi ông chuyển từ Trung Quốc đến Miến Điện lập nghiệp, nên cha tôi rất quen thuộc với các dấu hiệu sử dụng chất gây nghiện.

Cha đã gửi tôi đến ở với Sayadawgyi nhiều lần trong những năm học phổ thông và cao đẳng. Tôi đã đắp y và ở lại một thời gian cho đến khi thầy thấy tôi tốt hơn lên. Chính trong thời gian ở với thầy mà tôi ngày càng tò mò về cách tâm mình vận hành. Tôi đặt nhiều câu hỏi về tâm và việc hành thiền của mình, nhưng thầy không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Thầy thường yêu cầu tôi tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Tôi thường tự tìm hiểu và khi ra được kết luận nào đó, tôi chạy đến chỗ thầy để kể lại. Rồi thầy chỉ gật đầu và mỉm cười nhân từ, đó là tất cả sự khích lệ tôi cần. Những lúc ở thiền viện như thế là thời gian tôi thấy rất hạnh phúc. Bằng trí tuệ có được, tôi đã ổn định lại cuộc sống; dù vậy, hết lần này đến lần khác tôi lại tiếp tục sa ngã. Trí tuệ của tôi đã không đủ mạnh mẽ để đánh bại tham và sân, thứ cai trị cuộc sống tôi lúc đó. Tôi đã rất thất vọng với cuộc đời mình, điều này thể hiện qua sự tức giận mà tôi thường xuyên trải qua. Sayadawgyi luôn nhắc nhở tôi rằng chúng ta không nên quan sát các phản ứng của tâm để tìm cách loại bỏ chúng đi, mà luôn coi đó là cơ hội để tìm hiểu bản chất tự nhiên của chúng. Thầy thường yêu cầu tôi tự đặt câu hỏi: “Chuyện này làm tôi cảm thấy thế nào?”, “Tôi đang nghĩ gì?”, “Điều tôi nghĩ làm tôi cảm thấy thế nào?”, “Cảm giác hiện tại làm tôi nghĩ gì?”, “Thái độ của tôi đằng sau những suy nghĩ đó là gì?”, “Điều này thay đổi cách tôi quan sát cơn đau như thế nào?”

Chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều trên khi có bất kỳ sự khó chịu nào trên thân hay trên tâm: nóng, lạnh, tức giận, ghen tị, thất vọng, v.v… [1]

Hãy học hỏi từ tâm sân, thay vì rải tâm từ

Yogi : Con muốn rải tâm từ đến cho ai đó, mà con không thích. Thưa Ngài.

SUT: Mục tiêu của bạn là học hỏi từ tâm sân của mình, chứ không phải rải tâm từ đến người đó. Lúc đó, họ không quan trọng; Điều quan trọng là bản chất tâm sân.

Những người mà bạn sân hận có thể thay đổi, nhưng tâm sân hận thì giống nhau. Chúng ta cố gắng để hiểu bản chất của tâm sân; nếu bạn thực sự hiểu được tâm sân, bạn sẽ không bao giờ tức giận với bất cứ ai.

Nếu bạn rải tâm từ, thì nó chỉ sẽ dành cho người này.

Nếu bạn hiểu nguyên lý, bản chất của tâm sân, và ứng dụng nguyên lý đó, thì bạn sẽ không bao giờ tức giận với bất kỳ ai nữa.

Bạn có cơ hội học hỏi bằng việc quan sát tâm sân hận, thì tại sao bạn muốn thay đổi nó để rải tâm từ?.

Tâm căng thẳng và đau khổ mà bạn được trải nghiệm qua, bằng việc quan sát nó, là điều đáng để bạn học hỏi.

Thiền vì trí tuệ, chứ không vì hạnh phúc

SUT : Nếu chúng ta muốn Trí Tuệ đến, ngoài việc quan sát tâm phiền não để tìm hiểu về nó, thì điều kiện tiên phong, là chúng ta không làm điều đó, để có được tâm Hạnh Phúc.

Chúng ta sẽ không quan sát để trở nên hạnh phúc; chúng ta chỉ quan sát – học hỏi tâm phiền não.

Tâm ước ao hạnh phúc nhiều đến nỗi, mỗi khoảnh khắc nghe thấy hạnh phúc, thì nó muốn có được. Bất cứ khi nào tôi hỏi thiền sinh, tại sao họ lại thiền tập, và nếu họ nói rằng, họ muốn tâm an tĩnh hay hạnh phúc, chắc chắn 100% Tâm tham sẽ hiện hữu trong thực hành của thiền sinh.

Đó là thói quen cố hữu của tâm, mà bất cứ điều gì nó cho là tốt, như ngay cả hạnh phúc, nó đều chấp chặt vào. Bởi vì , những ý muốn (tác ý) có thể rất uy vũ, do niềm tin của nó không có được thẩm tra (Trạch pháp).

Tôi cứ nhắc nhở các thiền sinh rằng, mục tiêu của thiền tập không phải là tìm cầu hạnh phúc hay tâm an tĩnh. Nó chắc chắn sẽ đến, khi quả của Trí Tuệ tròn đủ. Nhưng nó không phải là động lực thúc đẩy, hay mục tiêu của thiền tập, chỉ vì HẠNH PHÚC là cái BẪY.

Khi thiền sinh vướng vào niềm khát khao hạnh phúc; nó sẽ ngăn cản toàn bộ việc tu tập.[2]

Thiền Sư U Tejaniya

[1] Trích "Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên"
[2] Buổi trình pháp nhóm Malaysia tại SOM 2018

Bản tiếng Việt - Ms. BaoAnh

Nguồn: Thực Hành Vipassana x Thực Hành TỨ NIỆM XỨ