Khi tâm vượt lên sự hữu vị, nó biết sự vô vi. Tâm trở thành vô vi, một cảnh giới không còn những yếu tố có điều kiện. Tâm không còn bị chi phối bởi những vấn đề của thế gian.
Mục đích chúng ta nghe Pháp là, thứ nhất, để hiểu biết sự việc mà chúng ta không hiểu biết, để làm sáng tỏ sự việc, và thứ hai, để cải thiện sự hiểu biết của chúng ta đối với những điều chúng ta đã hiểu. Chúng ta phải dựa vào các buổi thuyết giảng để tăng thêm sự hiểu biết, và lắng nghe là một yếu tố chủ yếu. Tâm là một thành phần quan trọng. Cái tâm phân biệt giữa cái tốt và xấu, đúng và sai. Nếu chúng ta thiếu chánh niệm dầu chỉ một phút thôi, chúng ta điên loạn trong phút đó. Nếu chúng ta thiếu chánh niệm trong nửa giờ, chúng ta điên loạn trong nửa giờ đó. Tâm chúng ta thiếu chánh niệm bao nhiêu lâu, thì chúng ta điên loạn bấy nhiêu lâu. Đó là tại sao việc chú tâm nghe Pháp là một điều vô cùng quan trọng.
Tất cả chúng sinh trong thế giới này đều kinh nghiệm khổ đau. Mục đích của sự tu hành là để dứt trừ sự khổ đau này. Nếu khổ đau phát sinh, đó là bởi vì chúng ta không thật sự biết nó. Bất kể chúng ta cố điều khiển nó chừng nào, qua ý lực hay qua tài sản thế gian, đều không thể được. Chỉ qua sự hiểu biết rõ ràng, qua hiểu biết chân lý của sự khổ, thì khổ đau mới tan biến. Và điều này không chỉ đúng với người thế tục mà cũng đúng với người xuất gia. Bất cứ ai biết chân lý của sự việc, khổ đau sẽ tan biến.
Những trạng thái tốt và xấu là những sự thật không thay đổi. Pháp có nghĩa là một thứ không thay đổi, nó duy trì chính nó. Sự rối ren duy trì sự rối ren của nó, sự tĩnh lặng duy trì sự tĩnh lặng của nó. Tốt và xấu duy trì tình trạng của chúng, giống như nước nóng duy trì sự nóng của nó - nó không thay đổi vì một người nào: dầu bạn già hay trẻ, quốc tịch là gì, nó cũng nóng. Cho nên Pháp được định nghĩa là cái duy trì tình trạng của nó. Trong sự tu hành, chúng ta phải biết cái nóng và cái mát, đúng và sai, tốt và xấu. Nếu chúng ta biết sự bất thiện, thí dụ, chúng ta sẽ không tạo ra cái nguyên nhân của nó - cái lý do khiến nó phát sinh.
Đây là tu hành. Tuy nhiên, phần lớn người tu hành là những người nghiên cứu hay thực hành Giáo Pháp, nhưng chưa hợp nhất với Giáo Pháp, chưa dập tắt nguyên nhân của sự bất thiện và rối ren trong tâm. Chừng nào nguyên nhân của sự nóng vẫn còn hiện diện, chúng ta không thể tránh được cái nóng. Cùng thế ấy, chừng nào nguyên nhân của sự rối ren vẫn còn trong tâm, chúng ta không thể tránh được sự rối ren, bởi vì nó phát sinh từ gốc ngọn này. Chừng nào cái gốc chưa được dập tắt, sự rối ren sẽ phát sinh trở lại.
Mỗi khi chúng ta làm điều thiện, sự thiện lành phát sinh trong tâm. Nó phát sinh từ nguyên nhân của nó. Khi chúng ta hiểu biết nguyên nhân, chúng ta có thể tạo ra chúng, và kết quả chắc chắn sẽ theo sau. Nhưng thông thường, người ta không tạo ra những nguyên nhân đúng đắn. Họ rất muốn sự thiện lành, nhưng họ không làm việc để mang nó đến với mình. Tất cả những gì họ có là những kết quả xấu, chúng cuốn hút tâm vào sự khổ. Tất cả những gì người ta muốn thời này là tiền bạc. Họ nghĩ rằng nếu họ có đủ tiền, mọi thứ sẽ tốt đẹp, cho nên họ dành hết thời giờ để kiếm tiền. Họ không tìm kiếm sự thiện lành. Điều này cũng giống như muốn có thịt ăn, nhưng không dùng muối để bảo quản nó. Bạn cứ để miếng thịt ở đó cho đến khi nó thối rữa. Những ai muốn tiền không chỉ nên biết cách kiếm tiền mà còn phải biết cách chăm sóc cho nó. Nếu bạn muốn thịt, bạn không thể cứ mua nó rồi để nó nằm ở đó. Nó sẽ thối rữa.
Suy nghĩ như thế là sai. Kết quả của sự suy nghĩ sai lạc là sự rối ren, hỗn loạn. Đức Phật giảng dạy Giáo Pháp để chúng ta thực hành, để có thể biết Giáo Pháp và hợp nhất với nó - để khiến cho tâm là Giáo Pháp. Khi tâm là Giáo Pháp, nó sẽ hạnh phúc và mãn nguyện. Sự vận hành của luật luân hồi nằm trong thế giới này, và sự chấm dứt khổ đau cũng ở nơi thế giới này.
Mục đích của sự tu hành là khiến cho tâm vượt lên sự khổ đau. Thân thể không thể vượt lên khổ đau - một khi sinh ra, nó phải kinh nghiệm bệnh đau, già và chết. Chỉ có tâm mới có thể vượt lên trên sự bám giữ và dính mắc. Tất cả giáo lý của Đức Phật đều là những phương tiện để đạt đến mục đích này.
Ví dụ, Đức Phật giảng dạy về các Pháp hữu vi và vô vi. Pháp hữu vi thì hằng hà sa số - hữu hình hay vô hình, lớn hay nhỏ - nếu tâm chúng ta còn chịu ảnh hưởng của ảo giác, nó sẽ chế biến những thứ này, phân loại chúng thành tốt và xấu, ngắn và dài, thô và vi tế. Tại sao tâm chế biến như thế? Bởi vì nó không biết cái thực tại tương đối. Nó không biết chút gì về luật duyên khởi. Không biết những điều này, tâm không nhìn thấy Pháp. Không nhìn thấy Pháp, tâm nắm giữ đủ thứ. Chừng nào tâm còn bị trói buộc bởi sự nắm giữ, con người không thể ra khỏi cảnh giới duyên khởi, họ còn bị rối rắm và còn chịu ảnh hưởng của sinh, lão, bệnh, tử, ngay cả trong sự suy nghĩ. Cái tâm như thế là một pháp hữu vi.
Trích Suối nguồn tâm linh
Thiền sư Ajahn Chah
Người dịch: Minh Vi
Nguồn: Tu tập thiền Vipassana