Con người ngay từ thời xa xưa đã biết nhiều cách bảo trì sức khỏe để sống mạnh, sống vui và sống lâu. Ngày nay đa số mọi người tin tưởng vào các lương y, bác sĩ có khả năng, kiến thức. Sau khi được bác sĩ chẩn mạch, cho thuốc, bệnh nhân cũng phải có niềm tin vào thuốc và lời dặn của bác sĩ để chữa trị và duy trì thân thể được khỏe mạnh lâu dài.
Về phần tinh thần, tâm người đời vốn rất yếu đuối, hết lo âu đến buồn khổ, hết căng thẳng đến trầm cảm… Người Phật tử thuần thành tin Đức Phật có khả năng chữa cho con người khỏi các căn bệnh tâm linh. Ngài đã để lại nhiều toa thuốc vi diệu được phổ biến khắp nơi hơn 2500 năm nay, ai dùng cũng hết bệnh nếu có niềm tin vững mạnh. Với lòng tín thành vào Đức Phật và Giáo pháp như vậy, ta mới bắt đầu dùng pháp dược để trị bệnh tâm. Phật pháp đã trở thành môn thuốc thần hiệu vì chính Đức Bổn Sư đã thành công trong việc tự trị liệu cho mình. Rồi vì lòng đại bi thương chúng sanh, Ngài truyền lại các phương thuốc này cho chúng sanh. Toa thuốc phổ biến nhất gồm có năm vị chính được gọi là Ngũ Lực gồm tín lực (đức tin), tấn lực (nỗ lực kiên trì), niệm lực (sức ghi nhận liên tục các đối tượng ngay trong giây phút hiện tại), định lực (định tâm trên đề mục), huệ lực (trí tuệ) nhằm bồi bổ, tăng cường năng lực tâm linh.
Người nào đã được năm vị thuốc này thấm nhập vào tâm thức sẽ thấy mình có nơi nương tựa, sức khỏe tâm linh ngày càng tăng trưởng, không bị chi phối bởi các điều kiện pháp bên ngoài, không bị những xung động của thế gian làm cho điên đảo… Về tín lực, Đức Phật dạy không nên có lòng tin mù quáng, cũng đừng vội tin và cũng đừng vội bỏ khi nghe giáo pháp của Ngài mà phải chính mình thực hành để tự kiểm chứng. Chỉ khi thân chứng được giáo pháp thì đức tin mới không khi nào bị lay chuyển, thay đổi nữa.
Mấy ngày nay chúng ta đang thực hành, áp dụng phương thuốc của Đức Phật, bắt đầu bằng tinh tấn khởi động, kế đến là tinh tấn triển khai và tinh tấn kiên trì. Tinh tấn là một sức mạnh của thân lẫn tâm, giúp hành giả vượt qua nhiều thử thách trong khóa thiền: thân bị thời tiết, vật thực ảnh hưởng và tâm bị phiền não không ngừng chi phối. Tấn lực có khả năng loại trừ phiền nãotrong quá khứ, ngăn ngừa các bất thiện pháp trong tương lai.
Tấn lực liên tục đưa đến niệm lực mạnh mẽ, có khả năng ghi nhận kịp thời và chính xác các đề mục đang sanh khởi trong lúc bây giờ. Nhờ vậy niệm lực được thiết lập vững vàng. Tấn lực và niệm lực liên hành sẽ phát triển định lực mạnh mẽ. Nhờ định lực mạnh mẽ, tâm ghi nhận xuyên thấu đề mục giúp hành giả càng lúc càng thấy rõ đặc tánh, bản chất của các đối tượng hơn. Nói một cách khác, huệ lực ngày một thâm hậu.
Năm vị thuốc này có tương quan nhân quả chặt chẽ với nhau và sẽ vô cùng công hiệu khi làm việc hài hòa với nhau. Tín lực phải thăng bằng với huệ lực. Tấn lực phải thăng bằng với định lực. Riêng niệm lực thì không bao giờ dư thừa. Niệm lực gia tăng càng nhiều càng tốt và sẽ làm cho các lực kia gia tăng theo. Niệm lực ở chính giữa bốn lực kia làm cân bằng từng cặp.
Nói theo Vi Diệu Pháp thì tâm vương ví như tổng thống, tâm sở ví như các bộ trưởng trong nội các. Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ đều là tâm sở và khi được phát triển quân bình sẽ làm việc chặt chẽ với tâm vương mỗi khi tâm vương nhận biết sự có mặt đối tượng khiến việc hành thiền trôi chảy và có kết quả tạo nên sức mạnh cho tâm. Hành giả chúng ta đang thực tập để tạo nênsức mạnh đó. Có ngũ lực, hành giả sẽ tự nhiên có thái độ tu tập đúng đắn, gương mẫu, luôn luôn ở trong sự tác ý chú tâm có trí tuệ (yoniso manasikāra).
Ngũ căn khi phát triển thành sức mạnh thì gọi là ngũ lực. Niệm lực giúp các căn điều chỉnh thân tâm sao cho thăng bằng, thoải mái trong mỗi oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm. Hành giả rất cần ngũ lực để đối đầu với mọi chướng ngại trong tâm. Mong năm lực này sẽ luôn là bạn lành của hành giả, là sức mạnh của tâm nâng đỡ hành giả trong mỗi hơi thở, mỗi bước chân, để “chế ngự tham ưu ở đời” tức là những phiền não đối với thân tâm. Ngũ lực tròn đủ, vững mạnh chắc chắn sẽ đưa hành giả đến đất lành của sự an vui tuyệt đối.
Thiền sư Kim Triệu Khippapañño