Ớt ngọt

Bằng cái nhìn ngắm cẩn trọng chúng ta có thể cũng sẽ thấy thêm rằng thực ra bên dưới đáy sâu của lòng ham muốn còn có một nguồn năng lực tác động nữa, trung tính và vô cảm, nhưng vẫn là một sức mạnh mang ý nghĩa thúc đẩy. Ta có thể tạm gọi đó là sự đầu tư của ý thức mà gọi theo thuật ngữ Phât học cũng được gọi là Dục (gọi theo chữ dịch của Hán văn là vậy, nhưng "Dục" trong trường hợp này, tiếng Pali là Chanda chứ không phải Kāma mà người Trung Hoa cũng dịch là Dục, vì hai chữ Pāli này điều có nghĩa gần giống nhau là "ước muốn, mong mỏi" cả). Hình thái ý thức này gọi theo từ ngữ của tạng Vi diệu Pháp là Sở hữu Dục, có thể song hành với rất nhiều hình thái tâm lý khác từ lòng ham muốn thấp kém cho đến tâm từ bi hoặc trí tuệ. Với một đời sống tỉnh thức đúng mức, chúng ta có thể cảm nghiệm được hương vị ngọt ngào của một đời sống thiểu dục, an nhiên tự tại, chẳng đấu tranh mà cũng không nuôi dưỡng khát vọng tiêu cực. Chỉ cần không bị chi phối nghiêm trọng bởi lòng ham muốn, lòng từ bi và trí tuệ tự nhiên sẽ trở thành nguồn sống căn bản cho chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra điều này ngay trong chính những phút giây thiền định của mình. Nhưng hãy nhớ rằng nếp sống tâm linh đó luôn tự đến khi có đủ điều kiện, chứ không hề đi ra từ một ý thức đầu tư mang tính chấp thủ của ý thức. Chúng ta cứ yên tâm: Cảm nghiệm đắt giá này sẽ này sẽ tự có ngay khi chúng ta nhận ra sự tự do, độc lập của mình đối với các ham muốn.

Nói chung, vấn đề ở đây luôn đòi hỏi ở chúng ta một công phu chú niệm chính chắn. Khi lòng ham muốn xuất hiện, chúng luôn có tác động nguy hại là cuốn hút ta vào những ảo tưởng, thậm chí có lúc chúng mãnh liệt đến mức tự chủ, bị mù quáng để không thể nhận diện nổi nó. Ở đây chúng ta có nhiều biện pháp để giải quyết trường hợp này: Nhìn thẳng vào đối tượng của lòng ham muốn hoặc nhìn thấy cho bằng được cái khía cạnh vô thường của vạn vật, kể cả một liên tưởng về cái chết. Chúng ta nghĩ xem. Giả dụ như mọi ước muốn của mình đều được thỏa mãn thì điều đó có ý nghĩa gì trong phút giây hấp hối. Hãy luôn tâm niệm rằng dù có được bao lần toại nguyện những cái mình khát khao thì tất cả cũng đều vô nghĩa. Bởi vì cái gì cũng qua đi như mây trời ngang đầu núi hay dòng nước dưới chân cầu. Tất cả chỉ là một chuỗi dài của đổi thay bất tận.

Ở đây ta có một câu chuyện rất thú vị về nhân vật Mullak Nasruddin mà nội dung tuy có vẻ hài hước nhưng cũng vô cùng ý vị:

Một hôm, chỉ vì không thể bỏ qua một giỏ ớt được bán quá rẻ, nên Nasruddin đã mua hết rồi mang về ăn lần lượt từng trái một. Nước mắt, nước mũi tuôn đầy cả mặt, vậy mà ông ta vẫn cứ tiếp tục ăn. Một học trò của Nasruddin thấy vậy mới hỏi ông tại sao lạ lùng như vậy, ông ta trả lời tỉnh bơ:

- Cả giỏ, hình như trái ớt nào cũng cay cả nhưng ta hy vọng cũng phải có vài trái ngọt chứ!

Dĩ nhiên, dù gì thì một phần lớn thời gian trong cuộc đời của chúng ta vẫn phải bị chi phối bởi lòng ham muốn. Nếu chúng ta tỉnh thức nhìn ngắm nó thì ngay trong từng sinh hoạt của mình, ta sẽ luôn học được lắm điều giá trị, thay vì nếu không như vậy thì lòng ham muốn sẽ chi phối, tạo ra các thói quen tâm lý bất thiện.

Một Thiền sư người Ấn Ðộ nọ rất thích ăn uống các thức ngọt và dĩ nhiên Ngài đã cố gắng từ bỏ lòng ham muốn đó của mình nhưng trước sau gì, chính Ngài cũng gần như cảm thấy bất lực. Thế rồi, một hôm Ngài ra phố mua một đĩa to món ngọt mà mình thích nhất, chậm rãi ăn từng miếng một và từng phút từng giây nhìn ngắm từng diễn tiến nội tâm của mình trong suốt thời gian đó. Phải nhìn nhận rằng vị Thiền sư này đã phải trải qua những đấu tranh nội tâm hết sức vất vả nhưng rồi khi đĩa đồ ngọt hết sạch thì cũng là lúc Ngài tự biết rằng từ nay mình sẽ không còn cái ham muốn đối với món hợp khẩu đó nữa, vì ngay sau khi Ngài tráng miệng xong tự nhiên thấy mình bị sợ các món đồ ngọt. Trong mọi trường hợp sự chú tâm nhìn ngắm luôn là tuyệt đối quan trọng. Khi một lòng ham muốn vừa khởi lên, ta hãy tỉnh thức nhìn thẳng vào nó để mặc nó tự trôi qua đi như đã tìm đến.

Nếu nó mãnh liệt đến mức ta không thể giữ được chánh niệm thì hãy lập tức thu về nội tâm mình bằng phương thức quân bình hóa đã nói ở chương trước rồi mới tiếp tục tập trung sự chú ý. Chánh niệm luôn có công năng mang lại cho ta một cái nhìn nội quán thấu thị cũng như một trí tuệ tinh tường sâu sắc trong thiền định.

Trích phần Những Ma Chướng và Trở Lực của Thiền Ðịnh
Thiền học Nam Truyền (Tỳ khưu Giác Nguyên dịch Việt)

Nguồn: toaikhanh.com