Lời khuyên đối với người tại gia

Bất cứ công việc hay hoạt động nào bạn làm trong cuộc sống hàng ngày bạn cần phải xem nó như một cơ hội để hành chánh niệm.

Khi bạn rời nhà đi mua sắm hay để đi làm, bạn nên tập trung sự hay biết của bạn trên sự chuyển động của chân trái và chân phải và ghi nhận chuyển động ấy như ‘đi’, ‘đi’. Khi bạn đến chỗ mua sắm, văn phòng, hay nhà máy chỗ bạn làm việc, bạn nên cố gắng hay biết bất cứ chuyển động nào bạn đang làm để thực hiện những công việc hàng ngày của bạn với càng nhiều chánh niệm càng tốt.

Bất cứ làm việc gì ngoại trừ công việc tính toán và những công việc trí óc khác, hãy cố gắng làm công việc ấy một cách chánh niệm. Bạn nên hành theo cách này cho đến khi nó trở thành một thói quen.

Khi chánh niệm trở nên mạnh mẽ hơn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng lúc này chúng ghi nhận trạng thái an lạc nhiều hơn và lớn hơn bởi vì tham, sân, và những phiền não khác đã được loại trừ hay biến mất.

Nếu công việc bạn làm không khẩn cấp lắm, và thời gian, tính phức tạp của công việc cũng như hoàn cảnh thuận tiện, bạn nên thực hiện công việc càng chậm càng tốt.

Người hành thiền nên tự xem mình như một người bịnh yếu ớt phải di chuyển một cách chậm rãi và thận trọng.
Tuy nhiên, nếu công việc sắp làm là quan trọng và cấp bách, bạn nên thực hiện nó với tốc độ bình thường.

Bất luận thế nào, bạn cũng nên cẩn thận để có thể duy trì được chánh niệm bằng cách tập trung trên những chuyển động của thân và hay biết chúng, cho dù bạn phải làm chúng một cách nhanh chóng.


Lợi ích của việc quan sát những hoạt động hàng ngày

Khi thực hành theo cách này, bạn sẽ không còn có thể nói rằng bạn không có thời gian để hành thiền nữa bởi vì có quá nhiều công việc để làm. Thực vậy, công việc bạn làm càng nhiều thì số lượng đối tượng thiền của bạn càng lớn và điều đó có nghĩa rằng bạn có nhiều cơ hội để hành chánh niệm hơn.

Khi bạn tiếp tục thực hành chánh niệm, sự hay biết của bạn sẽ càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, liên tục hơn. Khi chánh niệm trở nên liên tục, bạn sẽ hay biết được mọi chuyển động. Và vì lẽ bạn đã kiểm soát được chánh niệm, nên hầu như sẽ không có thân hành và khẩu hành nào được thực hiện một cách cẩu thả. Bạn sẽ không còn những hành động bằng thân hay bằng lời nói nào gây tổn hại đến người khác bởi vì tâm bạn không bị tham hay sân áp đảo.

Điều này sẽ rất lợi ích vì ít nhất thế gian cũng được thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực hay việc làm xấu của bạn. Những trạng thái tâm lo lắng, khao khát, ưu sầu và tuyệt vọng sẽ giảm bớt, người hành thiền sẽ biết cách chấp nhận những hoàn cảnh mà họ bị rơi vào, và trở nên ít khó tính hơn.

Họ ít bị bực phiền bởi những ý nghĩ như ‘Tôi không muốn ăn cái loại đồ ăn đó’ hay ‘Tôi không muốn mặc cái áo đó’. Kết quả là, bạn sẽ cảm thấy hài lòng với bất cứ những gì bạn nhận được, sống an vui bất cứ chỗ nào bạn lưu trú và hòa hợp được với bất cứ người nào bạn gặp. Điều này có nghĩa rằng bạn sẽ kinh nghiệm được sự bình yên tâm hồn, và chỉ với sự bình yên của tâm này thân mới chấm dứt đau khổ.

Mặc dù quanh bạn rất nhiều người phải chịu đau khổ do những trạng thái tâm bất thiện của họ, bạn sẽ kinh nghiệm được sự bình yên của tâm.

Vào lúc chết, bạn sẽ không chết với một cái tâm rối loạn bởi vì tâm bạn sẽ luôn trong sáng và bình yên. Thay vì trăn trối một cách rời rạc hay cảm thấy kiệt sức, bạn sẽ chết với một cái tâm bình yên êm ả. Sau khi chết bạn sẽ được tái sanh hoặc trong cõi người hoặc trong cõi chư thiên.

Như vậy, hành theo cách này bạn sẽ kinh nghiệm được nhiều loại bình yên và hạnh phúc thế gian. Cuối cùng, bạn sẽ đạt đến sự bình yên và hạnh phúc siêu thế hay sự bình yên và an lạc của Đao, Quả và Niết Bàn.

Trích Thiền Tâm Từ
Sayādaw U Indaka
TK Pháp Thông dịch

Nguồn: Giác Tịnh