Khi nghĩ đến thiền là người ta thường nghĩ đến hình ảnh một thiền sinh ngồi yên, mắt nhắm tịt. Chỉ có mỗi tư thế ngồi không có nghĩa là người đó đang ngồi thiền. Anh ta có thể ngồi rất yên, để tâm cuốn trôi theo dòng suy nghĩ.
Chúng ta hành thiền lúc nào? Chúng ta bắt đầu hành thiền khi lên thiền đường ư? Chúng ta hành thiền ở bất cứ nơi nào, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Chúng ta có thể hành thiền được trong phòng vệ sinh và nhà tắm không? Đừng ngồi trong toalet mà mơ mộng. Hãy nhớ chánh niệm bất cứ lúc nào, khi ở trên thiền đường, khi đi kinh hành, lúc đánh răng, tắm rửa, dọn dẹp, đọc sách, mắc quần áo, hay bất cứ công việc nào.
Bởi vì đây là việc chúng ta thực hành trọn vẹn cả ngày, nên không cần phải dùng quá nhiều sức ngay một lúc.
Nó chỉ là Pháp khi chúng ta học cách hành thiền, có khả năng hành thiền và tiếp tục hành thiền.[1]
Thấy và nghe - nhìn và lắng nghe
Thiền sinh: Hôm trước thầy giảng về tầm quan trọng của việc chánh niệm trên cái nhìn và cái nghe, chứ không phải chánh niệm về cảnh sắc và âm thanh. Con vẫn không hiểu, xin thầy giảng thêm.
Thiền sư: Đừng chú ý đến một âm thanh nào. Chỉ cần hay biết rằng mình đang nghe. Nghe nghĩa là bạn biết mình đang biết âm thanh, nghĩa là biết được cả âm thanh và tâm hay biết. Nếu biết được cái nghe, bạn sẽ biết được rất nhiều loại âm thanh khác nhau. Nếu chú tâm vào một âm thanh nào đó, bạn sẽ bị kẹt vào trong khái niệm, chẳng hạn suy nghĩ xem cái gì tạo nên âm thanh như vậy, âm thanh đến từ hướng nào…và bạn không thể hay biết được tâm mình. Vì vậy, đừng chú ý đến đối tượng của cái nghe mà hãy chú ý đến tiến trình nghe. Đối với cái nhìn cũng y như vậy.
Thiền sinh: Khi nghe người nào đó nói chuyện, con thấy mình chú ý đến những gì họ nói, và cố gắng trả lời cho tốt, lúc đó con cần phải biết cái nghe đang diễn ra hay cuộc chuyện trò, hay biết mình đang ngồi trong phòng, hay đang nghe âm thanh…? Nếu cố gắng biết tất cả, con cảm thấy cứ phải căng ra, cứ như bị xé lẻ ra thành nhiều mảnh.
Thiền sư: Khi chưa có kinh nghiệm hành thiền, bạn vẫn có xu hướng đi đến đối tượng quan sát. Nếu cố chánh niệm trên nhiều đề mục, bạn sẽ thấy cứ phải căng mình ra.
Hãy bắt đầu bằng việc chú ý đến các cảm xúc. Điều rất quan trọng là phải hay biết các cảm xúc của mình khi nghe hay khi nói chuyện như thế nào. Bạn có phản ứng theo bất cứ cách nào không? Chỉ đơn giản biết như thế, chỉ hay biết bất cứ điều gì mình đang cảm thấy. Bạn sẽ thấy rằng mỗi khi có cảm giác vững chắc, định tĩnh ở bên trong, tâm sẽ bắt đầu mở rộng và bạn có thể hay biết được nhiều đề mục khác nhau mà không cần phải cố gắng. Cứ như là các đề mục sẽ tự đến với bạn khi tâm đã định tĩnh và có khả năng thu nhận. Thiền sinh nào hiểu được cách thức làm việc của tâm thì chỉ cần giữ tâm trong trạng thái hay biết, rộng mở để thu nhận này và bằng lòng với bất cứ cái gì tâm mình hay biết.
Thiền sinh: Vậy thì thực hành cách nghe âm thanh rồi nhớ phải hay biết là mình đang nghe là sai hay đúng?
Thiền sư: Tôi không thể gọi đó là cách thực hành sai, mà chỉ nghĩ rằng lúc đầu có thể sẽ khó thực hành được như vậy, bởi vì bạn vẫn chưa thể giữ chánh niệm tốt khi giao tiếp với người khác.
Khi nghe thì cái gì nghe, và bạn nghe như thế nào?
Thiền sinh: Con dùng tai và dùng cả tâm để nghe nữa.
Thiền sư: Đó chính là điểm mấu chốt; chính tâm nghe âm thanh. Chúng ta chỉ cần nhận biết những gì tâm đang làm.
Nghe có giống (cố ý chú tâm) lắng nghe không?
Thiền sinh: Nghe là thụ động, cố ý lắng tai nghe là chủ động.
Thiền sư: Đúng. Ngay cả khi bạn không cố nghe, bạn vẫn có thể nghe (được tiếng động). Ngay cả khi không cố nhìn, bạn vẫn thấy (cảnh).
Vậy khi bạn không cố chú ý đến những thứ ấy, tâm vẫn hay biết được chứ?
Thiền sinh: Hừm…câu trả lời lúc đầu của con là: điều đó còn phụ thuộc…
Thiền sư: Thôi được. Chẳng hạn bạn đang lắng nghe âm thanh, thông thường bạn chú ý đến hơi thở, nhưng bỗng nhiên tâm trượt khỏi hơi thở và cảm nhận cái vật bạn đang cầm trong tay. Bạn sẽ chú ý đến cái gì?
Thiền sinh: Con nghĩ, chắc là đến cái tay.
Thiền sư: Đúng vậy. Không cần phải mang tâm mình đi đến chỗ nào cả.
Tâm tự làm công việc của nó; bạn chỉ cần hay biết tâm đang làm gì là đủ.
Nếu muốn hiểu được "tự nhiên", bạn phải để cho mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Mang chánh niệm "trở lại" cái gì đó (hoặc chỗ nào đó) tức là bạn đang sử dụng đến cố gắng cá nhân. Đối với người mới hành thiền thì việc này là cần thiết, nhưng sau một thời gian thực hành, bạn không cần phải làm thế nữa.
Thay vì phải lắng nghe tiếng động, chúng ta cần chánh niệm biết rằng có cái nghe đang diễn ra. Trong cái nghe có sự hay biết tiếng động - thế nên nó mới gọi là "cái nghe''. Mọi thứ đều có sẵn ở đó cả. Tôi đang nói và bạn đang nghe. Bạn nghe âm thanh từ chỗ tôi, hay việc bạn nghe chỉ đơn giản là một kinh nghiệm (một sự việc bạn đang nhận biết), nó luôn ở đó với bạn chứ không phải ở "ngoài kia''? Vì vậy, chỉ cần tự biết mình, bạn sẽ biết được tất cả mọi thứ.
Thiền sinh: Con vẫn còn không hiểu lắm về chánh niệm trên cái nhìn. Con nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy mình đang gán tên cho mọi thứ mình nhìn thấy, tức là lúc nào cũng sử dụng đến khái niệm chế định. Điều này diễn ra một cách hết sức tự nhiên. Nếu mọi thứ diễn ra tự động như vậy thì làm sao con thấy được mọi sự như nó đang là? Làm sao con chánh niệm trên chính cái nhìn ấy được?
Thiền sư: Không cần phải bỏ tất cả những gì tâm làm một cách tự nhiên. Tâm là thực tại và bạn nhận biết rằng nó chỉ đang làm công việc của nó. Tưởng (saññā) là một chức năng của tâm và bạn không thể ngăn chặn nó diễn ra được. Chỉ cần nhận biết rằng tưởng là một hoạt động của tâm và tự nhắc mình đừng tự đồng hoá với tiến trình ấy là đủ.
Trong năm giác quan, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ rằng xúc chạm, ngửi và nếm diễn ra ở trên thân. Tại sao lại cho rằng nghe và nhìn là diễn ra ở “ngoài kia”? Thực ra nghe và nhìn cũng diễn ra ở chính tại đây thôi. Chúng ta cứ tin vào những khái niệm chế định mà tâm đang sử dụng, tin vào cái tưởng nhận biết khoảng cách (giữa mình và tiếng động, hình ảnh ngoài kia).
Vậy làm thế nào để nhận ra được thực tại là có cái nhìn đang diễn ra? Khi chú ý đến những gì mình nhìn thấy, bạn sẽ chỉ thấy được các khái niệm như là hình dáng, màu sắc, khoảng cách, kích cỡ… Nhưng thực tại thì không có màu sắc, không kích cỡ mà cũng chẳng có hình dáng gì cả. Làm thế nào để nhận ra được thực tại này?
Bí quyết ở đây là tập nhận biết tâm hay biết. Chúng ta có nhận thấy là mình đang biết không? Chúng ta cần phải nhận ra được cái tâm biết này. Nó biết cái gì? Nó biết đề mục (hay đối tượng hay biết) của nó. Đối tượng hay biết đó là thực tại, thực tại đằng sau các khái niệm chế định.
Không có trí tuệ chúng ta không thể biết được thực tại này, dù có cố gắng đến đâu cũng không thể thấy được. Chánh niệm nhìn thấy các khái niệm chế định, còn trí tuệ thì biết thực tại.
Thiền sinh: Con thấy chánh niệm về cái nghe và cái nhìn khó hơn chánh niệm các cảm giác trên thân nhiều. Tại sao thế ạ?
Thiền sư: Tất cả mọi người đều thấy khó như thế. Mùi, vị và cảm giác xúc chạm được cho là diễn ra bên trong cơ thể, còn hình ảnh và âm thanh thì lại bị cho là ở bên ngoài. Bởi vì chúng ta tin vào khái niệm "ngoài kia", "phương hướng"…Thực ra, cái nghe và cái nhìn cũng diễn ra ở bên trong chúng ta thôi; hiểu theo một nghĩa nào đó thì không có thế giới ngoài kia. Tất cả mọi thứ chúng ta kinh nghiệm được đều diễn ra ở trong tâm. Thế gian là sản phẩm tạo tác của tâm. Vì vậy, không cần thiết phải nhìn bên ngoài; tất cả mọi thứ đang diễn ra ở ngay tại đây, ngay bên trong tâm mình[2]
Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Sư Tâm Pháp
[1] "Pháp Ở Mọi Nơi"
[2] "Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ"