Chánh niệm lúc làm việc

Thực hành thiền khi làm việc là một kỹ năng. Nói đến “kỹ năng” ý tôi là cần rất nhiều sự thực hành! Ban đầu, tất nhiên là khi bạn chú tâm vào hiện tượng bên ngoài, bạn không thể nào tập trung vào hiện tượng bên trong được. Khi bạn hướng tâm vào bên trong, thì bạn không ghi nhận được điều đang diễn ra bên ngoài. Ban đầu, bạn không thể ghi nhận được cả bên trong lẫn bên ngoài trong lúc làm việc, nhưng bằng cách thực hành bất cứ lúc nào có thể, bạn đang thiết lập nên trớn cho sự thực hành. Đôi lúc, chánh niệm sẽ đến một cách tự nhiên trong khi bạn đang làm gì đó, và bạn thật sự chìm trong đó. Để đạt được đến trình độ chánh niệm này thì cần một sự thực hành không ngừng nghỉ. Khi bạn cần làm việc, cứ chuyên tâm làm việc. Đôi khi bạn sẽ có chút thời gian cho sự thực hành, hãy thực hành và bạn sẽ biết được kiểu như “Ồ, tâm đang suy nghĩ về điều này cho nên nó có thể làm được”. Khi bạn thiết lập thói quen ghi nhận tâm đang làm việc thì bạn sẽ ghi nhận được chánh niệm bắt đầu trồi lên vì nó trở thành một thói quen để tâm tự nó ghi nhận trạng thái đang làm. Nó sẽ đến một cách rất tự nhiên. Hãy để điều đó xảy ra.

Ngài U. Tejaniya

Có một thiền sinh hỏi câu hỏi về việc thiết lập sự thực hành liên tục “Chúng con nên thực hành bao nhiêu thì được?” Tôi trả lời “Hãy làm 50- 50”. Thiền sinh đó là một nhà tâm lý học vì vậy cậu ta nghĩ một chút về câu trả lời của tôi và hỏi lại “Làm cách nào để thầy đo được?” (Cười). Tôi cân nhắc và nhận ra rằng thật ra nó không đến mức phân chia 50-50 mà chỉ đơn giản là để tâm làm việc một cách tự nhiên. Khi tâm thực sự thực hành một cách thuần thục thì việc ghi nhận sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Việc thực hành liên tục sẽ nhắc nhở và ghi nhớ, hay biết rằng tâm đang làm việc, thì sẽ đến một lúc nào đó, tâm trở nên không cần nỗ lực nữa vì lúc này tâm đã quá mức quen thuộc và thuần thục rồi. Tâm luôn đi với chính nó và nó thích được như vậy. Đó sẽ là lúc tâm có thể làm bất cứ việc gì vì điều đó không còn quan trọng nữa. Tâm hay biết luôn luôn có mặt, đây chính là sự liên tục. Dù lúc ban đầu bạn sẽ gặp khó khăn, nhưng bất cứ sự nỗ lực nào bạn bỏ ra đều sẽ góp phần tạo nên trớn cho chánh niệm và biến nó thành điều dễ dàng và liên tục trong tương lai. Đó là nguyên nhân tại sao Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải thực hành liên tục.

Khi tâm nói rằng "Thật bất công"

Khi điều gì đó xảy ra, và tâm bắt đầu phán xét, đưa ra các tiêu chí, và phát triển các ý tưởng về điều gì là phù hợp cùng các giới hạn của “anh”, của “tôi”. Một khi tâm bị vướng vào những ý niệm này rồi, tâm sẽ không muốn chúng bị ảnh hưởng, tổn hại.

Lúc nào chúng ta cũng đối diện với điều này . Ở xã hội phương Tây, người ta xếp hàng để chờ đến lượt vì người ta tin rằng, sẽ đến lượt họ có được cái gì đó. Khi có một ai đó chen ngang, họnghĩ rằng người đó đáng lẽ phải chờ ở đến lượt sau, thì sẽ có sự xung đột. Hoặc những suy tư khác về việc bất công sẽ khởi sinh. Sẽ có một kiểu ý định tin rằng “Tôi cần thực phẩm và việc cô ta chen ngang đã làm tôi bị chậm trễ trong việc có được món đồ đó” . Tâm tự thuyết phục chính nó về tất cả những điều này! Vào những lúc như thế, chúng ta nên tự hỏi mình “Liệu niềm tin đó có gì trở ngại ở đây hay không?” Ngay lúc này, hành động của ai đó đang làm ảnh hưởng đến những niềm tin này và tâm biện hộ cho cơn giận này để chống lại người khác!

Gắn kết với người khác

Trong đời sống thường nhật, chúng ta khích lệ lẫn nhau và cảm ơn lẫn nhau vì những lời khích lệ đó. Chúng ta tự kết nối lẫn nhau bằng cách tăng cường mong muốn mình tốt đẹp và mình có cảm giác tốt. Nếu thay vì khen ngợi, chúng ta nói “Bạn trông thấy ghê”, người nghe sẽ bị đau khổ vì ai cũng muốn trông họ tốt đẹp hết. Nói chung, chúng ta thường tự động bị ảnh hưởng bởi những lời lẽ tốt đẹp, lời khen, hay tiếng chê của người khác. Khi ta hiểu biết về cách làm việc của những suy tư này ở trong tâm rồi thì mong muốn này sẽ biến mất.

Cảm giác như bị lợi dụng

Có thái độ đúng rất quan trọng khi chúng ta làm việc trong thế gian. Đôi khi, chúng ta có thể cảm giác như là mình đang bị lợi dụng hoặc đang được làm ơn. Nếu chúng ta nghĩ rằng, người ta làm việc theo cách đó vì họ không biết cách khác tốt hơn, thì sẽ có sự khác biệt thế nào? Nếu ai đó đang bắt nạt bạn, đó sẽ là một vấn đề rất khó xử! Bạn có thể bị căng thẳng, đau khổ hoặc tức giận với việc bị bắt nạt. Thay vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng, người này họ không cố ý làm việc đó nhưng vì họ không biết cách nào khác tốt hơn, thì mọi chuyện sẽ thế nào? Lúc đó bạn sẽ cảm thấy thế nào ? Bạn có thể thông cảm hơn và tha thứ cho họ.

Tự đánh giá

“Tệ/dở/xấu” chỉ là một cái nhãn. Đừng tự dán nhãn mình như vậy. Khi tâm thiện có mặt thì mình là người tốt, và khi tâm bất thiện có mặt thì đó là xấu. Và nó chỉ là khoảnh khắc đó thôi, mà tâm thì luôn thay đổi. Tiếp tục thực hành và hãy dành thời gian để thực hành. Thực tế là khi bạn thực hành có nghĩa là tâm bạn muốn trở nên tốt hơn, điều này đồng nghĩa với việc tâm đang dần trở nên tốt hơn.

Trong một khu vườn hay khu rừng, Bạn làm thế nào để: kinh nghiệm sự im lặng? kinh nghiệm sự tĩnh lặng?

Khi sự nghi ngờ lớn mạnh trong tâm, thì đừng chú tâm vào suy nghĩ. Khi chúng ta để tâm vào những kiểu suy tư như thế này, chúng sẽ cuốn chúng ta vào đó và phát triển. Thay vào đó, chúng ta có thể gắn mình vào việc hay biết các cảm thọ và đừng có cung cấp thêm năng lượng cho việc suy tư. Áp dụng cách tương tự cho bất cứ trạng thái tâm bất thiện, mạnh mẽ nào. Khi chúng ta quan sát cảm thọ và cắt ngang việc quan sát suy tư, sẽ giúp tâm ổn định lại. Rồi chúng ta sẽ có thể quan sát cả suy tư lẫn cảm thọ khi chúng ta cảm thấy tâm đã sẵn sàng.

Mọi người đều có cách của riêng mình, và tự nhiên, mỗi người cũng có cách thức riêng để tự gỡ rối cho chính mình. Bạn có thể quan sát điều gì đang diễn ra trong tâm, và hiểu biết nó, nhưng bạn không thể ép nó được. Bạn có thể học một được một cách thức thực hành tại một khóa thiền, nhưng khi bạn về nhà mới chính là lúc bạn thực hành kỹ năng đó luôn khi. Đó là khi cuộc đời bạn bắt đầu thay đổi.

Trích "Thu Thập Bụi Vàng"
Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Pháp Hỷ

Nguồn: Thực hành Vipassana x Thực hành tứ niệm xứ