Cầu nguyện và thiền

Cầu nguyện và thiền

Thiền sinh: Cầu nguyện có tầm quan trọng như thế nào so với việc hành thiền, thưa thầy?

Thiền sư: Bạn có thể cầu nguyện bao nhiêu lần một ngày?

Thiền sinh: Mỗi khi xả thiền là con đều cầu nguyện. Có nên cầu nguyện khi hành thiền hay cầu nguyện vào lúc khác thì tốt hơn?

Thiền sư: Thiền tập là chánh niệm với hiểu biết đúng đắn. Bạn có thể chánh niệm biết rằng việc cầu nguyện đang diễn ra. Như vậy, cầu nguyện và hành thiền có thể diễn ra cùng một lúc.

Thực hành lời dạy của Đức Phật cũng như đang cầu nguyện hay đảnh lễ Ngài. Lời dạy chủ yếu của Đức Phật đối với các đệ tử là hãy chánh niệm trong mọi lúc, chánh niệm càng nhiều càng tốt. Đức Phật thường xuyên nhắc nhở các đệ tử không được phóng dật quên mình - trong tiếng Pali là "appamādena sampādetha”. Do vậy, mỗi khi chúng ta nhớ đến lời dạy này và thực hành chánh niệm là chúng ta đang đảnh lễ Ngài. Lời cầu nguyện không nhất thiết cứ phải thể hiện bằng lời nói, nó có thể là một thái độ trong tâm. Cũng như thế, nếu chánh niệm được suốt cả ngày, là chúng ta đang đảnh lễ Đức Phật suốt cả ngày đấy.

Từ "Buddha" (Phật) nghĩa là "người tỉnh thức", và hay biết, tỉnh thức chính là đặc tính của trí tuệ. Mỗi khi tu tập trí tuệ là khi chúng ta đang cung thỉnh Ngài. Điều đó cũng như mình đang được ở cùng Ngài trong lúc đó.

Thiên đường và địa ngục

Thiền sinh: Con thấy khái niệm về các cõi trời và địa ngục cùng với sự tái sinh thật khó chấp nhận. Giáo lý các tông phái đạo Phật khác rất dễ hiểu và có thể thực hành ngay, chứng nghiệm trực tiếp. Theo thầy thì nên nhìn nhận những khái niệm đó như thế nào?

Thiền sư: Bạn không bắt buộc phải tin vào các cảnh giới sinh tồn hay sự tái sanh. Cứ tiếp tục thực hành. Khi đã có trí tuệ hơn bạn sẽ bắt đầu hiểu được tất cả những thứ đó một cách đúng đắn.

Bạn có thể thấy được các cảnh giới sinh tồn đó như là những tính chất tâm khác nhau. Khi bạn cảm thấy khổ sở, tâm chính là địa ngục, khi nhập an chỉ định (jhāna), bạn đang ở cõi trời.

Cuộc sống chính là sự phản chiếu của tâm mình. Nếu hiểu được tâm mình, bạn sẽ hiểu được cả thế gian.

Bạn không cần phải tin những điều mà bạn không thể hiểu nổi về mặt tri thức. Chỉ cần tiếp tục tìm hiểu, quán chiếu. Chỉ cần tiếp tục học hỏi từ các kinh nghiệm của chính mình.

Dính mắc với chánh niệm

Thiền sinh: Thưa thầy, dính mắc với chánh niệm có được không ạ?

Thiền sư: Không, không được! Không cần thiết phải dính mắc với chánh niệm, chánh niệm phát triển bởi vì có đà quán tính của nó. Có cái gì ở đó mà dính mắc? bất cứ sự dính mắc nào cũng cần phải tránh. Tất nhiên là người ta vẫn có thể dính mắc vào bất cứ thứ gì trên đời, nhưng tốt nhất là không nên không dính mắc vào bất cứ cái gì.

Muốn mình hơn người

Thiền sinh: Con thường quan sát thấy mình mong cho người khác kém cỏi để mình sẽ trở thành người giỏi nhất.

Thiền sư: A, vậy là tốt, bạn đã biết được tâm mình rồi đấy. Bản chất của tâm mình là luôn muốn mình hơn người, muốn thấy kẻ khác phải thấp kém hơn mình. Chỉ khi nhận ra được điều này chúng ta mới có cơ hội thay đổi chính mình.

Thiền sinh: Làm thế nào để con xử lý những điều ấy một cách khéo léo?

Thiền sư: Hãy xem mình cảm thấy như thế nào khi có những suy nghĩ như thế trong tâm. Bạn sẽ thấy nó chẳng dễ chịu chút nào đâu. Nếu bạn nhận rõ được cảm giác này mỗi khi ý nghĩ đó sanh khởi, tâm sẽ nhẵn mặt dần với trạng thái khó chịu đó và sẽ không còn muốn như vậy nữa. Tâm nhận ra những cách suy nghĩ ấy không chỉ là khó chịu mà còn không cần thiết phải nghĩ như thế, chúng là suy nghĩ bất thiện. Khi tâm đã hiểu được như vậy, nó sẽ dễ dàng buông bỏ.

Dính mắc với cái tôi

Thiền sinh: Con đã từng thành đạt và cũng từng đau khổ rất nhiều trong cuộc đời. Giờ đây con thực sự trân trọng pháp hành này, nhưng mà con vẫn còn dính mắc rất nhiều với cái “ngã” của mình, với cái “tôi” đang làm những việc này. Con thấy việc phải từ bỏ cái ngã, từ bỏ cái “tôi” đó rất đáng sợ.

Thiền sư: Bạn không cần phải tin vào cái gì và không cần phải từ bỏ. Bạn chỉ cần thực hành. Không có ai ở đây thực sự tin rằng không có cái " tôi" đâu.

Thiền sinh: Cứ như là con sẽ phải rơi vào một nơi rỗng không nào đó.

Thiền sư: Đó chỉ vì bạn không hiểu. Chỉ cố gắng buông bỏ là một cách thực hành vô nghĩa. Đừng lo lắng điều đó; miễn là bạn cảm thấy có niềm vui và hứng thú trong pháp hành, thế là được. Tất cả việc bạn cần phải làm chỉ là thu nhận thông tin hướng dẫn và khám phá nó. Không cần thiết phải cố tin vào sự tồn tại hay không tồn tại của bất cứ cái gì cả.

Sayadaw U Tejaniya
Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ

Nguồn: MAHASATI