Cái biết trực tiếp - Cái biết kinh nghiệm

Người không tu Tuệ Quán luôn có khuynh hướng đánh giá, nhận xét trần cảnh thay vì chỉ đơn giản ghi nhận. Với sự tác động của Vô minh trong Tứ Đế, phàm phu luôn có thói quen đánh giá trần cảnh theo nhu cầu tâm lý của chính mình: Cái này tốt, đẹp, ngon . . . để từ đó sinh lòng thích thú. Khi trần cảnh được đánh giá theo hướng ngược lại: Xấu, dơ, dở, nóng bức hay lạnh lẽo . . . thì trạng thái tâm bất mãn hay đối kháng sẽ lập tức có mặt. Nó chính là tâm sân.

Tâm tham khiến ta không phân biệt được thứ ta thích và món ta cần. Tâm sân khiến ta không phân biệt được cái gì đúng và sai. Cả hai tình trạng này nói rốt ráo đều do si mê mà ra và từ đó ta không biết được cái gì nên và không nên, cái gì là nhân và cái gì là quả.

So với tâm thiện thì phiền não là thái độ tâm lý của trẻ con hay của người mất trí vì chúng luôn là những nhận thức sai lầm, nông cạn và lệch lạc. Chánh niệm giúp hành giả có cơ hội nhìn lại mọi sự để điều chỉnh nhận thức của mình. Không có Chánh Niệm thì ta cứ luôn chọn cái sai, vì cứ chạy theo cái thích và cái ghét thì ta không cách nào đúng được. Cái ta cần là cái đúng chứ không hẳn là cái ta thích, thứ ta phải tránh là cái sai chứ không hẳn là cái ta ghét.

Như đã nói, đối tượng của Tâm Quán Niệm Xứ chỉ gồm có hai là tâm trạng nào đang có mặt và cái tâm nào quan sát nó. Chúng đều là tâm và đều là đối tượng của Tâm Quán Niệm Xứ.

Có một chuyện rất tinh tế mà hành giả tu tập Tâm Quán nên để ý: Cái biết trực tiếp không phải là cái biết của kinh nghiệm. Cái biết trực tiếp luôn luôn mới và không theo lối mòn. Chẳng hạn ta thấy rõ tâm tham đang có mặt với những đặc điểm như thế nào, không nên nhận biết tâm tham ấy theo những định nghĩa mà mình đã biết sẵn từ mớ kiến thức sách vở trước đây.

Cái nhìn sinh động là nhìn với một câu hỏi: Tại sao vậy ?

Hiểu được lý do vì đâu nó có mặt rồi cứ nhìn vào đó một cách thanh thản không chấp nhặt. Nó ra sao thì chỉ thấy như vậy. Nhìn cái tâm tham hay tâm thiện và cả cái tâm ghi nhận chúng. Nói ra dài dòng, nhưng mọi sự chỉ diễn ra trong thời gian một nháy mắt. Xin nhắc lại, chỉ nhìn vào từng dòng tâm thức, hiểu tại sao nó có mặt, nhớ đừng suy nghĩ hay đánh giá với dụng ý giữ lại cái này, xô đẩy cái kia.

Hãy nhớ bất cứ tâm trạng nào, tốt hay xấu, làm mình khó chịu hay dễ chịu, đều là cái để ta nhìn, nhìn cho đến khi nó biến mất. Ngoài ra đừng làm gì thêm, vì từng dòng tâm thức trước đây giờ đã trở thành quá khứ, nắm níu chúng, ngồi lại với chúng thì dòng tâm thức hiện tại không được quan sát. Điều này đi ngược lại tinh thần của Tâm Quán Niệm Xứ

Khemavamsa Sayadaw (Myanmar)
Trích sách: Kinh nghiệm Tuệ Quán Tập 2, Trang 27-28
Dịch giả: Sư Giác Nguyên

Nguồn: Hoàng Văn Toàn