Bồ tát Metteyya (Di Lặc)

Bồ tát Di Lặc

Cách đây 80 a tăng kỳ về trước, Bồ Tát Metteyya (Di Lặc) đã biết thế nào là Tứ Đế, là Duyên Khởi, là 37 pháp Bồ Đề. Nhưng mà vì lòng đại bi ngài muốn ở lại lâu lâu một chút để trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác tế độ chúng sanh và ngài theo cái hạnh tinh tấn cho nên ngài đi hơi lâu.

Thật ra không phải lúc đầu ngài lựa cái hạnh tinh tấn, nhưng cái đó là do khuynh hướng tâm lý của ngài thích như vậy.

Cuộc thế trần gởi thân trăm tuổi
Kiếp phù sinh sớm tối có nhân
Thế nhân ơi ráng làm lành
Hãy tu thập độ để thành siêu nhân
Bậc trí tuệ giác phần chống đắc
Vì căn cơ xuất sắc hơn thường
Trí nhân tâm tánh như gương
Nên khi quang chiếu vô thường nhận ngay
Bậc đức tin lâu ngày hơn trí
Vì tính nhân ích kỷ rõ ràng
Tính tâm cá tính đoan trang
Lại ưa mến chuộng dị đoan linh thần
Bậc tinh tấn thì năng phục vụ
Kém khôn ngoan chẳng đủ niềm tin
Thế nên khó đắc giác minh
Lâu hơn trí tuệ đức tin mấy lần
Dù mau chậm cũng nhân giải thoát.

Nhớ cái đó! Tức là bậc trí, cái vị có khuynh hướng nhanh khi họ có hành ba la mật, họ lựa cái nào nhanh gọn dễ làm, cho hiệu quả. Đó là trí.

Còn cái vị đức tin, cái chuyện mà tìm cái gì nhanh mà hiệu quả thì họ không có chú ý, họ đi theo niềm tin.

Bây giờ mình có thể cho hình ảnh về 3 nhân vật này. Cả ba đều vô chùa tu hành:

  1. Cái anh tinh tấn mà đi vào chùa thì khoái xuống bếp chùi rửa lau cầu, quét rác, hút bụi cả ngày mệt mỏi, vô chùa chỉ thích như vậy. Đỗ mồ hôi để mà tu, thích phục vụ, thích làm việc dơ, việc nặng, ai cũng chê, ai cũng gớm, thì vị tinh tấn nhảy vô gánh.
  2. Còn vị vô chùa nặng về đức tin , Bồ Tát đức tin thì tối ngày cứ thích lên chánh điện tụng cái này tụng cái kia , thích quỳ lại khấn nguyện , đốt nhang , đốt nến dâng bông dâng hoa, lim dim, lâm râm ngó tượng này nhìn tượng kia. Đó là kiểu tu đức tin (Hồi nhỏ tôi ở chùa tôi thấy loại người này).
  3. Còn vị trí tuệ lại khác . Vào đạo rồi, để ý kinh sách, nghe có thầy hay thầy giỏi, kinh quý kinh hay là tìm tới, thích ngồi thiền, thích nghiên cứu giáo lý, thích tìm hiểu, thích học hỏi, thích trao đổi. Đó là hạng trí.

Vào chùa họ không chịu cái cách cầu nguyện bái sám, họ không chịu cái cảnh chấp tác lao dịch, mà họ muốn tu là phải hiểu tại sao mình tu, mình tu cái gì. Hạng trí chỗ này.

Ví dụ hình dung ba hạng Bồ Tát như vậy thì cái thời gian dứt khoát phải khác nhau rồi.

Một người thì hiểu tại sao, một người thì khoái cầu nguyện bái sám, một người lăn xả vô chỗ dơ, chỗ nặng để mà phục vụ chúng sinh.

Trong trăm ngàn ức tỷ chúng sanh mới có một người có thể dám nguyện thành Phật. Và trong bao nhiêu người nguyện thành Phật đó chỉ có một người thành thôi. Cho nên hiếm vô cùng.

Các vị tưởng tượng một a tăng kỳ đại kiếp là mười lũy thừa 140 (10140) đại kiếp, mà một đại kiếp nó gồm bốn giai đoạn: Thành, trụ, hoại, không. Mà bốn giai đoạn này nó lâu bằng nhau.

  • Thì trái đất này từ lúc có loài vi khuẩn cho đến lúc không còn giống nào sống được, nguyên cái khoảng thời gian đó được gọi là kiếp trụ.
  • Còn trong lúc hình thành, chưa có loài nào sống thì gọi là thành.
  • Còn kiếp hoại là khi nào sau cái trụ thì cả một hệ vũ trụ, một ngàn tỷ tự hủy. Đó là giai đoạn hoại.
  • Mà nó hoại xong rồi cả cái chỗ hoại đó trở thành một khoảng không. Thì đó là giai đoạn không.

Thì cả bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không nó lâu bằng nhau, mà bốn cái cộng lại mới được gọi là một đại kiếp.

  • Để trở thành một vị A Nan, vị Ca Diếp thì phải mất một trăm ngàn đại kiếp như vậy.
  • Muốn trở thành ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên thì phải một a tăng kỳ đại kiếp, bởi vì một trăm ngàn thì chỉ có 5 số không, còn một a tăng kỳ là 140 con số không.
  • Muốn thành Độc Giác là phải 2 a tăng kỳ đại kiếp có nghĩa là gấp đôi ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên.
  • Còn muốn thành vị trí tuệ toàn giác thì gấp mười lần Độc Giác.
  • Vị Chánh Đẳng Chánh Giác toàn giác mà hạn đức tin thì lâu gấp đôi vị trí tuệ. Vị Bồ Tát toàn giác hạnh tinh tấn là 80 a tăng kỳ, đức tin là 40, trí tuệ là 20, độc giác là 2 a tăng kỳ, trí thượng là 1 a tăng kỳ, đại thinh văn là một trăm ngàn đại kiếp.
  • Còn các vị thinh văn thường Pakatisavaka (mình gọi là thinh văn không biệt hạnh) thì thời gian tu ba la mật nhiều ít bất định.

Sư Giác Nguyên - Toại Khanh

Lưu ý: hình ảnh Di Lặc hở bụng mập ú giống ông địa là sản phẩm tưởng tượng của Trung Hoa. Hình tượng ấy đã cực kỳ xúc phạm đến phạm hạnh cao quý của Bồ tát Di Lặc.

Nguồn: Puñña Nanda

Xem thêm lời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc trong Kinh Chuyển luân thánh vương Sư tử hống, thuộc Trường bộ kinh.