Đời sống chỉ là những chọn lựa. Chúng ta có thể mất cả 30 ngày trong một tháng cho những tục sự như chuyện nhà, chuyện làm ăn hay xã hội.
Chúng ta cũng có thể dành thời giờ cho những công phu tu tập để cứu mình ra khỏi biển khổ.
Có một chuyện đơn giản nhưng ít ai ngờ được là thời gian 24 giờ một ngày đêm ta luôn phải vật lộn với 2 thứ phiền não là Tham và Sân, ngoài ra không còn gì nữa.
Niềm vui khi gặp chuyện như ý là Tham, sự khó chịu bực bội khi gặp chuyện bất toại là Sân.
Hai thứ phiền não này luôn bị tác động bởi Vô Minh.
Do u mê nên ta không mấy khi chịu nhớ rằng cái chết đang nằm lù lù trước mặt mình từng phút.
Vì quên nghĩ đến cái chết nên ta luôn có đầy đầu những trù hoạch, kế sách, toan tính cho tương lai như là mình sẽ sống hoài, không chết.
Và ta cũng biết rồi đó, có mấy ai ở đời có thể sống và làm việc đúng như mọi lo toan của mình đâu.
Có người là Phật tử, dĩ nhiên cũng biết nghĩ đến đời sau kiếp khác, nhưng bên cạnh vài ba ngày Bát quan trai có đính kèm vài giờ nghe pháp hay tọa thiền cho mình vững bụng, rồi thì hơn 20 ngày còn lại hầu như chỉ sống cho người khác, chớ không phải cho mình.
Thuở sinh thời, thiền sư Mogok thường lưu ý các đệ tử hãy cảnh giác với nếp sống hướng ngoại, mà thường khi ta hay tô vẽ chúng bằng những mỹ từ hay ho như Trách Nhiệm, Bổn Phận với người này, kẻ nọ.
Một khi không có đời sống nội hướng, lãng quên việc tu tập của bản thân thì chúng ta chỉ có đau khổ mà thôi.
Cái bi kịch lớn nhất của hầu hết Phật tử, bất kể tăng tục, là :
không có khả năng tự giác và như vậy cũng là không có khả năng sống an lạc.
Biết Phật Pháp mà không thể sống an lạc thì rõ ràng cái biết đó đã có vấn đề.
Sống kiểu đó là hoang phí kiếp người!
Hành giả tu tập đề mục từ tâm phải tự ý nhận thức cái hại của tâm sân và cái lợi của từ tâm và kham nhẫn, chứ không phải chỉ đơn giản là cầu công đức khi tự mình chưa thấy sợ cái nguy hiểm của tâm sân, của việc thiếu kham nhẫn…..
Người ta nói giận quá mất khôn là đúng, mà thương quá cũng mất khôn.
Tham ái và sân hận là hai thứ phiền não phải tránh.
Hành giả tu tập tu tập từ tâm thì không ghét ai, cũng không bất mãn sự vật ở đời nên không có tâm sân.
Lòng từ là mở lòng ra để thương chớ không phải siết chặt vòng tay để ôm nên tâm tham cũng không có cơ hội ở đây vì tham là ôm ấp, cầm nắm, xiết chặt, ghì cứng…..
Lòng từ thật sự là một thứ tình thương không điều kiện, không trông đợi một mục đích nào.
Thương chỉ là thương, không dính mắc ái luyến, chỉ chân thành mong cho muôn loài được an lành không khổ đau.
Chỉ cần có một chút mục đích tư lợi dầu là lợi ích hiện tại hay quả báo về sau thì lòng từ ấy không còn là Vô Lượng Tâm nữa rồi.
Trích: Kinh Nghiệm Tuệ Quán
Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên
Nguồn: Diệu Phúc