Bài học về chú tâm cảnh giác, thu thúc lục căn, để khỏi trôi lăn trong sinh tử luân hồi

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo trẻ tuổi.

Thuở ấy, có một tỳ-kheo trẻ tuổi cùng đi với một vị Trưởng-lão đến nhà bà nữ-cư-sĩ Vi-sa-kha để khất-thực.

Sau khi nhận phần cháo, vị Trưởng-lão bỏ ra đi, vị tỳ-kheo trẻ tuổi còn nán lại. Bấy giờ, người cháu nội gái của bà Vi-sa-kha đang lọc nước để múc cho khách. Khi trông thấy bóng mình trên mặt nước trong lu, cô lặng-lẽ mỉm cười. Ngẩng đầu lên, thấy vị tỳ-kheo đang nhìn mình lom-lom, miệng lại cười, cô gái mắc-cỡ rồi giận-dỗi, xẵng giọng nói: "A, cái ông đầu cạo trọc nầy, sao lại cười ta?"

Nghe nói thế, vị tỳ-kheo trẻ tuổi bỗng nổi cơn giận, chẳng giữ gìn lời nói, mắng lại: "Cô mới bị cạo đầu, cha cô, mẹ cô cũng trọc đầu!"Hai bên cãi qua cãi lại, cô gái bật lên khóc và chạy vào mét với bà Vi-sa-kha.

Vừa lúc ấy, vị Trưởng-lão cũng quay lại. Hai vị lớn tuổi dùng lời khuyên-răn đôi bên, nhưng chẳng bên nào chịu im tiếng.

Một lát sau, Đức Phật đi tới nơi và nghe tiếng cãi-vã om-sòm. Ngài quán-thấy cơ-duyên đã đến cho vị tỳ-kheo trẻ tuổi được chứng quả-vị Tu-đà-huờn, nên dừng chân lại trước nhà. Sau khi nghe kể qua sự-việc đáng tiếc, Đức Phật biết vị tỳ-kheo còn đang nóng-giận, mới dùng lời-lẽ dịu-dàng nói: "Nầy tín-nữ Vi-sa-kha, vì lý-do gì mà cô cháu nội gái bà sao lại mắng vị tỳ-kheo nầy là kẻ trọc đầu? Ai đi tu, muốn được gia-nhập Tăng-đoàn cũng đều phải cạo đầu cả, có đúng vậy hay không?" Nghe lời Đức Phật nói, vị tỳ-kheo dịu lại, quì xuống đảnh-lễ Đức Phật và bạch rằng: "Bạch Thế-tôn, chỉ có Ngài mới hiểu được con. Thầy con và bà tín-nữ, chẳng ai hiểu con cả."

Bấy giờ Đức Phật biết chắc tâm-trạng của vị Tỳ-kheo đã lắng-dịu lại, sẵn-sàng nghe lời Ngài dạy, mới nói: "Nầy tỳ-kheo, mỉm cười nhìn gái đẹp, tâm khởi lên dục-vọng, là đang có tư-tưởng xấu-xa, cần nên tránh."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó vị tỳ-kheo chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dhammapada - Kinh Pháp Cú

Hinam dhammam na seveyya
pamadena na samvase
micchaditthim na seveyya
na siya lokavaddhano.
(Verse 167)

Đừng theo đường ti-tiện
Chớ ôm-ấp tà-kiến,
Chẳng buông-lung và chớ kéo dài
Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai.
(Kệ số 167.)

Tìm hiểu

Nghĩa Chữ

  • Vi-sa-kha: tên vị tín-nữ giàu lòng bố-hí, nổi tiếng thời Đức Phật. Bà dưng-cúng tu-viện Đông-viên cho Ni-đoàn. Tên tiếng Pali: Visakha
  • Nhìn lom-lom = nhìn trân-trân, nhìn quá kỹ chẳng nháy mắt.
  • Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Cơ-duyên là dịp may
  • Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt; tiếng Pali là Sotàpatti. Người chứng quả Tu-đà-huờn dứt được
    1. thân-kiến, chấp thân làm ngã;
    2. nghi, chẳng tin vào Chánh-pháp,
    3. giới-cấm-thủ, tin theo nghi-lễ của tà-giáo. Quả Tu-đà-huờn còn gọi là Nhập-Lưu, Thất-Lai.
  • Đảnh-lễ: quì lạy, tỏ lòng kính-trọng.
  • Tâm-trạng: Tâm = lòng; Trạng = tình-trạng. Tâm-trạng = cõi lòng
  • Dục-vọng: Dục = ham-muốn; Vọng = mong-cầu. Chữ dục-vọng chỉ sự ham-muốn thú-vui vật-chất, được dùng theo nghĩa xấu.
  • Ti-tiện: Ti =thấp; Tiện = hèn-hạ.
  • Tà-kiến: Tà = xiêng-xéo; Kiến = ý-kiến; Tà-kiến là ý-kiến sái-quấy
  • Buông-lung = chẳng biết tự kềm-chế mình, lười-nhác.
  • Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Cõi Luân-hồi là cảnh chết đi sống lại qua nhiều đời kiếp. Tiếng Pali là samsàra.
  • Trần-ai: Trần = bụi-bặm; ai = bi-ai, đau-khổ. Cõi trần-ai là cõi đời đầy đau-khổ nầy ở thế-gian.

Nghĩa Ý

Ý-nghĩa của Tích truyện:

Tích chuyện kể lại việc một tỳ-kheo chẳng biết giữ-gìn các giác-quan, nhìn gái đẹp mà mỉm cười, lòng khởi lên dục-vọng.

Được Đức Phật chỉ dạy, phải biết điều-phục các căn, vị tỳ-kheo chứng được quả Tu-đà-huờn.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là phải giữ-gìn các giác-quan, chẳng buông-lung chạy theo cảnh-vật bên ngoài, phải biết thanh-lọc tâm-ý, khiến cho khỏi phải mãi trôi lăn trong cảnh sanh-tử, tử-sanh của vòng Luân-hồi lẩn-quẩn.

Ý-nghĩa của bài Kệ số 167:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Đừng theo đường ti-tiện: đường ti-tiện là đường thấp-kém, hèn-hạ. Đường nào? Đó là để cho các giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chạy theo cảnh cám-dỗ bên ngoài mà thoả-mãn các thú-vui vật-chất tạm-bợ và chẳng thanh-cao.

2) Chớ ôm-ấp tà-kiến: Tà-kiến là ý-tưởng sái-quấy, như

  1. Chấp thân nầy thường-còn, là Ta, lo bảo-vệ mà quên phần tinh-thần để đi đến giác-ngộ và giải-thoát;
  2. Chấp vào đoạn-kiến, cho rằng chết đi là hết, chẳng có Luân-hồi, quả-báo chi cả, nay còn sống, cứ lo hưởng-thọ trước, kẻo chết thì chẳng còn gì;
  3. Chấp vào các thủ-tục cúng-tế của tà-giáo, giết thú-vật cúng tế các tà-thần để cầu phước. - Hễ ôm-ấp tà-kiến thì tâm chẳng thanh-tịnh, bị tà-kiến làm vẩn-đục, chẳng phát-triển được Trí-huệ.

3) Chẳng buông-lung và chớ kéo dài cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai: Hai câu nầy khuyên ta nên cố-gắng tu-tập tinh-tấn, để sớm chấm-dứt cuộc sống sướng ít khổ nhiều trên thế-gian.

Buông-lung hay Phóng-dật, có nghĩa là lười-nhác, sống buông-trôi, chẳng biết tự-kềm-chế; như thế sẽ cứ phải hết đời nầy sang đời khác chịu nghiệp-báo mà tái-sanh mãi trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi.

Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai là gì? Đó là phải sanh ra chịu khổ, sống đời sướng ít khổ nhiều, đau bịnh rồi chết, lại phải tái-sanh lại nữa, vì thế mới gọi là cõi trần-ai, cõi đầy bụi-bặm, đầy đau-khổ.

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta nên sớm tỉnh-ngộ, nhận ra cõi đời nầy là khổ, phải biết cách tu-hành, để được giác-ngộ và giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử Luân-hồi.

Học tập

  1. Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: muốn chẳng kéo dài cuộc sống trần-ai, phải tìm cách ra khỏi Luân-hồi, thân-tâm được giải-thoát.
  2. Răn dạy trẻ: chớ chọc người đầu trọc, phải kính bực tu-hành.

Nguồn trích dẫn: Kinh Pháp Cú
Tích chuyện một tỳ-kheo trẻ - Kệ số 167

Nguồn: Sumangala Bhikkhu Viên Phúc