Ba cách học đạo

Trong Thanh Tịnh Đạo có ví dụ rất hay về đứa trẻ, người nhà quê, người đúc tiền.

Đứa trẻ không biết gì khi trông thấy đồng tiền ngoài việc thấy cái tướng của đồng tiền tròn, vuông, vàng, trắng, xanh.

Người nhà quê khi trông thấy đồng tiền ngoài việc thấy cái tướng của đồng tiền thì biết thêm đông tiẻn ấy mua được cái gì, không mua được cái gì.

Người đúc tiền khi trông thấy đồng tiền ngoài việc biết rõ tướng đồng tiền, giá trị trao đổi của nó, còn biết thêm đồng tiền đó thật hay giả, đúc bằng kỹ nghệ gì,….

Việc học đạo cũng có 3 cách như vậy:

  1. Khi người học đạo đến với đạo qua tướng của đạo như tham gia các nghi lễ, học tụng kinh, bố thí, trì giới, hành thiền…thì giống như "đứa trẻ" thấy tướng của đồng tiền. Gọi là "tưởng tri" các pháp.
  2. Khi người học đạo đi qua chặng 1, rồi biết rõ những việc đó có lợi ích gì và hạn chế gì…thì giống như "người nhà quê" thấy tướng đồng và giá trị đồng tiền. Gọi là "thức tri" các pháp.
  3. Khi người học đạo đi qua chặng 2, rồi biết rõ thực tính các pháp ấy chỉ là vật chất và tâm, là nhân và quả, là pháp duyên sinh, có sinh có diệt…giống như "người đúc tiền". Gọi là tuệ tri các pháp. Và tuệ tri chỉ sinh lên khi các cảnh của nó là thân, thọ, tâm, pháp (Tứ Niệm Xứ).

Trong Kinh Pháp Môn Căn Bản, Đức Phật dạy do không tu tập để chấm dứt tưởng tri nên phàm phu hình thành tự ngã. Đối chiếu trong và ngoài mình cũng như các việc mình làm như là tự ngã, như là của ta, và dục hỷ chúng. Điều này được ngài Buddha Ghosa chú giải trong quyển Thanh Tinh Đạo như là đứa trẻ trông thấy đồng tiền. Với cách nhìn như thế, đứa trẻ coi đồng tiền giống như là đồ chơi của nó, vui buồn với thứ đồ nó chơi. Ngày nào, chúng ta chỉ dừng ở cách học đạo thứ nhất (mức tưởng tri) thì chúng ta luôn là những "đứa trẻ" trong mắt các bậc Thánh.

Nguồn: Thấy Biết