Ánh sáng lúc hành thiền

Câu hỏi: Xin Sư giải thích về sự xuất hiện của ánh sáng trong lúc hành thiền. Đó là một chướng ngaị hay một dấu hiệu tốt?

Trả lời: Bản thân sự xuất hiện của ánh sáng trong lúc hành thiền không phải là một chướng ngại. Chỉ khi chúng ta chấp vào nó như là của ta, lúc đó nó mới trở thành chướng ngại. Thật ra, thấy được ánh sáng là một dấu hiệu tích cực nhưng nó sẽ trở thành chướng ngại khi chúng ta diễn giải về nó. Trong khi hành thiền, nếu có những hiện tượng lạ và khác thường xảy ra, chúng ta chỉ nên xem đó là dấu hiệu của sự vô thường. Chúng ta nên niệm như sau, "Những gì bắt đầu sẽ chấm dứt. Những gì sinh khởi sẽ hoại diệt" thay vì nghĩ, "Ồ, tôi đã thấy được ánh sáng, tôi đã thanh tịnh, tôi đã chứng ngộ được một cái gì đó."

Ngài Ajahn Sumedho
Ngài Ajahn Sumedho

Trong năm đầu tiên hành thiền ở Nong Khai, Thái Lan, tôi đã xuất gia và mặc y nhưng không có sư hướng dẫn. Tôi ở trong một thiền viện Thái nhưng không nói được tiếng Thái và ở đó không ai nói được tiếng Anh. Tôi chỉ có một quyển sách dạy thiền bằng tiếng Anh và hàng ngày tôi thực hành theo lời chỉ dẫn trong sách một cách cẩn thận và kỷ lưỡng. Đó là quyển sách cơ bản về giáo lý Phật giáo nguyên thủy và rất hữu ích đối với tôi. Khi hành thiền ở đó, tôi thường đi vào những trạng thái hỷ lạc cao độ và xuất trần. Tôi thấy ánh sáng và khi hành thiền, tôi cảm thấy cực kỳ khinh an và hỷ lạc. Lúc đó, dựa trên những kinh nghiệm khinh an và hỷ lạc này, tôi nghĩ là mình đã chứng ngộ một cái gì đó. Tôi nhớ có lần tôi cho là mình đã giác ngộ hoàn toàn và nghĩ, "Ồ, thì ra tu tập để thành tựu giác ngộ viên mãn cũng không mất nhiều thì giờ lắm. Mình đã nghĩ là phải tu tập vất vả trong nhiều năm mới giác ngộ, nhưng chỉ sau mấy tháng tu tập ở đây thôi mà đã thành tựu như thế nầy rồi." Lúc đó, tôi tin chắc là tôi đã hoàn toàn giác ngộ.

Sau thời gian tu tập ở thiền viện xa xôi và biệt lập đó, tôi phải trở lại Bangkok. Trên đường đi xe lửa về đến Bangkok, tôi thấy toàn bộ con người giác ngộ lúc trước của tôi bị sụp đổ hoàn toàn, và lúc đó tôi chỉ là một người Mỹ đầy bấn loạn đang đi lang thang giữa đường phố Bangkok. Tôi thất vọng nặng nề. Tôi cứ tưởng là mình sẽ tỏa sánh sáng giác ngộ cùng khắp thành phố khi về đến Bangkok. Nhưng ngược lại, lúc đó con người tôi đang tỏa ra những năng lượng không mấy gì cao đẹp cho lắm!

Năm sau đó, tôi tìm đến tu viện của ngài Ajahn Chah và trình bày cho ngài nghe về những kinh nghiệm nầy, ngài chỉ khuyên, "Con thấy không, đó chính là sự dính mắc. Đừng dính mắc, hãy buông bỏ đi." Và tôi bắt đầu ý thức là mình đã dính mắc với những kinh nghiệm khinh an và hỷ lạc nầy; Tôi kiểm nghiệm lại là trong khi ngồi thiền, tôi luôn có khuynh hướng đi tìm lại những trạng thái hỷ lạc và khinh an nầy. Tôi cho những kinh nghiệm hỷ lạc và khinh an nầy chính là cái mà tôi cần. Tôi nhớ lại năm đầu tiên là năm mà tôi có tất cả những tri kiến và kinh nghiệm chứng ngộ lạ lùng và lý thú nầy -- nhưng qua năm thứ hai, tôi đã không thành đạt gì hết. Ngược lại, trong năm thứ hai, tôi chỉ có sự đau nhức về thân thể, suy sụp tinh thần và niềm tuyệt vọng. Tôi bèn xoay qua thực hành phép tu khổ hạnh. Tôi cật lực hành thiền và cố gắng làm những gì mà tôi đã làm trong năm đầu tiên với hy vọng sẽ tìm lại được những trạng thái khinh an và hỷ lạc ngày trước, nhưng công phu nầy vẫn không mang lại kết quả nào. Mà thật ra, chính lúc đó, cái mà tôi phải làm là quên phứt đi những kinh nghiệm khinh an và hỷ lạc của năm đầu tiên nầy.

Thật ra, những gì xảy đến với tôi trong năm đầu tiên không có gì là sai lầm cả. Chỉ có sự diễn giải của tôi về kinh nghiệm nầy là xuất phát từ cái nhìn tự ngã và khi nhớ về những kinh nghiệm nầy, tôi cảm thấy quá dễ chịu và thoải mái nên tôi khởi tâm mong cầu tìm lại những thoải mái và dễ chịu nầy. Giờ đây tôi hiểu rằng sở dĩ tôi có những kinh nghiệm xuất trần trong năm đầu tiên là vì những kinh nghiệm nầy không đến từ ký ức; Chúng đến một cách tự nhiên. Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm nhận được chúng hay có những kinh nghiệm khinh an và hỷ lạc như thế, nên chúng rất mới lạ đối với tôi. Chúng đến với tôi một cách tự nhiên như chính bản chất của chúng, thế thôi. Tôi không thể chế đặt hay tạo tác ra chúng. Nhưng sau đó, khi hồi tưởng lại những kinh nghiệm nầy, tôi muốn tái tạo chúng, và điều nầy không thể nào thực hiện được.

Từ kinh nghiệm đó, tôi hiểu là trong lúc hành thiền, thấy được ánh sáng hay có được những tri kiến sáng suốt không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng trong lúc hành thiền là làm sao phát triển tâm chánh niệm, chấp nhận những giới hạn của mình, và sống nhu thuận theo dòng chảy của cuộc đời -- thay vì đi tìm cầu những kinh nghiệm say sưa và xuất trần. Tôi đã thay đổi thái độ khi gặp ngài Ajahn Chah. Thay vì đi tìm những kinh nghiệm hỷ lạc xuất trần và những kinh nghiệm tâm linh cao cấp xa xôi nào đó, tôi tập chấp nhận cuộc sống bình thường hàng ngày -- cuộc sống đầy nóng bức và muỗi mòng.

Với tâm chánh niệm và sự chấp nhận, bạn sẽ thấy rằng cái ánh sáng thật sự chính là khả năng tiếp cận và vận hành với trí tuệ. Bạn sẽ nhận ra rằng thấy được rõ ràng mọi sự vật trong cuộc sống đời thường như chính nó mới chính là tâm giác ngộ. Tâm giác ngộ không phải là một loại ánh sáng đến từ bên ngoài rồi chiếu sáng lên trong bạn. Lúc đó, với tâm giác ngộ, bạn chính là ánh sáng và ánh sáng chính là bạn.

Ajahn Sumedho

Nguồn: Thiền giữa đời thường